Tình hình bảo vệ rừng 3 tháng đầu năm 2023 tại các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ

28/03/2023

Theo số liệu báo cáo, thống kê cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng tại các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ (trừ Ninh Thuận và Bình Thuận) đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ 644 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 229 vụ (giảm 26,23%) so với cùng kỳ năm 2022 (3 tháng năm 2022). Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu ảnh hưởng tới rừng, gồm:

Lấn, chiếm rừng 01 vụ; Khai thác rừng trái pháp luật 61 vụ; Vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng, gây cháy rừng 05 vụ và Phá rừng trái pháp luật 294 vụ. Tổng diện tích rừng bị giảm là 99,188 ha, trong đó giảm do cháy rừng là 13,871 ha và giảm do phá rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật là 85,317 ha.

Tình trạng phá rừng trái pháp luật xảy ra chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó nhiều nhất là Đăk Lăk 162 vụ/46,274 ha; Đăk Nông 74 vụ/16,468 ha và Lâm Đồng 21 vụ/6,565 ha. Và một số tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ như: Phú Yên 21 vụ/4,422 ha; Quảng Nam 06 vụ/1,676 ha.

nh Đội KLCĐ&PCCCR, Chi cục Kiểm lâm vùng IV - Hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrăk, huyện M’Đrăk, tỉnh Đăk Lăk

Trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn vùng xảy ra 05 vụ cháy rừng gây thiệt hại 13,871 ha rừng trồng các loại, đặc biệt là vụ cháy rừng trồng Bạch đàn xảy ra vào ngày 07/03/2023 tại khoảnh 2, tiểu khu 596 - Lâm phần do Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Rờ Kơi, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã làm tử vong 02 nhân viên bảo vệ rừng của đơn vị này.

Ảnh Phòng Nghiệp vụ II, Chi cục Kiểm lâm vùng IV - Hiện trường vụ cháy rừng trồng Bạch đàn tại Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Rờ Kơi, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 430 vụ, trong đó: Xử lý hình sự 21 vụ (bao gồm 02 tội danh chính: Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và Tội huỷ hoại rừng); Xử phạt hành chính 409 vụ; Lâm sản tịch thu sau xử lý là 276,5 m3 gỗ tròn, xẻ các loại và 221 cá thể động vật hoang dã các loại; Tổng số tiền thu nộp ngân sách 2,55 tỷ đồng.

Ảnh Đội KLCĐ&PCCCR, Chi cục Kiểm lâm vùng IV - Hiện trường vụ khai thác rừng trái pháp luật tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai

Theo nhận định chung, tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt là các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, nguy cơ tiềm ẩn gây cháy rừng trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp. Do vậy, lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương cùng các đơn vị chủ rừng trong toàn vùng cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 Ban Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Chỉ thị số 8733/CT-BNN-TCLN ngày 23/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2023.

Mặt khác, cần kiểm tra, rà soát lại các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở tất cả các cấp và chủ rừng, phương tiện và trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo vận hành, hoạt động tốt; Có phương án, kế hoạch sẵn sàng phối hợp các lực lượng để ứng phó, xử lý kịp thời đối với các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi xảy ra cháy lớn, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, phá rừng cao, hạn chế tối đa không để phát sinh các điểm nóng, phức tạp.

Nguồn: Ths. Nguyễn Đình Thắng

Trưởng phòng Nghiệp vụ II - Chi cục Kiểm lâm vùng IV