Năm 2023, khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm “nóng” về tình trạng phá rừng trái pháp luật

26/12/2023

Theo số liệu thống kê, báo cáo của Chi cục Kiểm lâm vùng IV cho thấy, năm 2023 (12 tháng năm 2023) toàn vùng (gồm 11 tỉnh, thành phố thuộc phạm vi quản lý của Chi cục) đã phát hiện 1.291 vụ phá rừng trái pháp luật, làm thiệt hại 424,226 ha rừng các loại (giảm 18,19% số vụ và diện tích rừng thiệt giảm 25,95% so với cùng kỳ năm 2022).

Cũng theo số liệu báo cáo cho thấy năm 2023, khu vực Tây Nguyên (05 tỉnh Tây Nguyên) vẫn là khu vực trọng điểm về phá rừng trái pháp luật, với tổng số vụ là 1.034 vụ/1.291 vụ chiếm 80,09% và diện tích rừng thiệt hại 315,164 ha/424,226 ha chiếm 74,29% so với tổng số vụ vi phạm (phá rừng trái pháp luật) và diện tích rừng thiệt hại của toàn vùng.

Ảnh Nguyễn Đình Thắng - Hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật  tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk

Số vụ phá rừng trái pháp luật và diện tích rừng bị thiệt hại trong năm 2023 cụ thể tại các địa phương:  Đăk Lăk 732 vụ, diện tích rừng thiệt 246,092 ha (chiếm 56,70% số vụ và 59,78% diện tích rừng thiệt hại của toàn vùng 11 tỉnh, thành phố); Đăk Nông 147 vụ, diện tích rừng thiệt hại 28,40 ha; Lâm Đồng 103 vụ, diện tích rừng thiệt hại 16,187 ha; Gia Lai 33 vụ, diện tích rừng thiệt hại rừng 19,688 ha và Kon Tum 19 vụ, diện tích rừng thiệt hại 4,797 ha.

Ảnh Nguyễn Đình Thắng - Hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật tại huyện Đăk GLong, tỉnh Đăk Nông

Năm 2023, mặc dù các địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt nhưng tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo thống kế, năm 2023 các địa phương đã xử lý 876 vụ trong đó xử lý hình sự 58 vụ và xử phạt hành chính 818 vụ.

Ảnh Nguyễn Đình Thắng - Hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng

Ảnh Nguyễn Đình Thắng - Hiện trường vụ phá rừng  trái pháp luật tại huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiệu quả tình trạng phá rừng trái pháp luật, trong thời gian tới (năm 2024), các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư  về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030. Đặc biệt, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng; tăng cường công tác  kiểm tra, giám sát, sẵn sàng phối hợp các lực lượng để ứng phó, xử lý kịp thời đối với các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng cao, hạn chế tối đa không để phát sinh các điểm nóng, phức tạp./.

Nguồn: Ths. Nguyễn Đình Thắng, Trưởng phòng QLBVR - Chi cục Kiểm lâm vùng IV