Phối hợp là giải pháp quản lý, bảo vệ rừng bền vững tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên

26/12/2017

Chi cục Kiểm vùng IV được thành lập theo Quyết định số 5667/QĐ-BNN-TCLN, ngày 27/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định số 623/QĐ-TCLN-VP ngày 30/12/2014 của Tổng cục Lâm nghiệp về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức (nay là Quyết định 345/QĐ-TCLN-VP ngày 29/9/2017). Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Chi cục Kiểm lâm IV đã ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản với Chi cục Kiểm lâm gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp luôn nhận được sự quan tâm cấp ủy đảng, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục kiểm lâm và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được củng cố, tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng thể hiện ở các hoạt động chủ yếu như sau:

Ảnh: Ký quy chế phối hợp Bảo vệ rừng với Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng

Về công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Ngay đầu mùa khô Chi cục Kiểm lâm vùng IV cùng các tỉnh trong khu vực tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau với nội dung phong phú như: họp dân, phát 15.500 tờ rơi, 2.050 tờ Poster trên địa bàn 16 huyện, thành phố, 66 xã vùng sâu, vùng xa, đồng thời dùng phương tiện ô tô lưu động, loa, khẩu hiệu, pano, áp-phích, tuyên truyền công tác bảo vệ rừng cho 12.000 lượt người và 386 lượt học sinh. Phối hợp Đài truyền hình Việt Nam VTV1 và Đài phát thanh truyền hình VOV thường trú khu vực Tây Nguyên xây dựng phóng sự tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại địa bàn các Duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.



Ảnh: Ký quy chế phối hợp Bảo vệ rừng với Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam

Về công tác phối hợp tập huấn nghiệp vụ: Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng Kiểm lâm, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng tại địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp các Chi cục Kiểm lâm trong vùng tổ chức 09 lớp tập huấn nghiệp vụ, trong đó có 02 lớp về tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng nghiệp vụ đặc thù chuyên ngành công tác quản lý giống cây trồng, tăng cường năng lực cho lực lượng Kiểm lâm một số vùng trọng điểm vùng đồng bào dân tộc tại một số tỉnh trọng điểm thuộc khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ; 02 lớp tập huấn nghiệp vụ theo dõi rừng và đất lâm nghiệp; 05 lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nghiệp vụ Kiểm lâm địa bàn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản cho 490 lượt người tham. Tổ chức 02 hội nghị, trong đó 01 hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp tại vùng trọng điểm Tây Nguyên cho 70 lượt người tham gia và 01 hội nghị đánh giá kết quả phối hợp liên tỉnh quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản vùng giáp ranh khu vực Tây Nguyên và tỉnh Ninh Thuận; tập huấn nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh do UN-REDD tài trợ cho 47 lượt người.

Về công tác phối hợp trao đổi thông tin và xử lý thông tin: Phát hiện sớm, xác minh, xử lý và trao đổi thông tin về điểm cháy rừng của hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến trên trang Website của Kiểm lâm. Công tác trao đổi thông tin giữa các bên luôn được duy trì thường xuyên. Định kỳ hàng tuần, tháng Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã báo cáo tổng hợp tình hình vi phạm của đơn vị, các vấn đề nổi cộm trong tuần để Chi cục Kiểm lâm vùng IV có cơ sở tổng hợp, báo cáo. Các bên đã thông tin cho nhau về đối tượng vi phạm để cùng phối hợp trong điều tra, xác minh, xử lý người vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Ngoài ra khi có nhiệm vụ phát sinh Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã chủ động trao đổi thông tin cho nhau về tình hình an ninh rừng ở vùng giáp ranh của mỗi bên theo nguyên tắc thông tin hai chiều theo cấp quản lý Nhà nước. Qua trao đổi thông tin đã xác định được toàn vùng có 1.446.814,07 ha rừng dễ có nguy cơ xảy ra cháy và 828.291,87 ha rừng có nguy cơ dễ xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác rừng trái phép, xác minh được 350 thông tin về các điểm cháy trên hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến trên Website của Cục Kiểm lâm.

Về công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, đôn: Tổ chức 12 đợt kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản theo kế hoạch các tỉnh trong khu vực. Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc quản lý gây nuôi động vật hoang dã và hoạt động mua bán động vật hoang dã và dẫn xuất của chúng có nguồn gốc trái phép trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Phối hợp kiểm tra, xác minh theo chỉ đạo của Cục Kiểm lâm về các thông tin phản ánh của báo chí, quần chúng nhân dân 14 vụ việc, chuyển 90 lượt báo cáo kiểm tra xác minh, thông tin phản hồi của Kiểm lâm địa phương đối với các thông tin báo nêu.

Về công tác phối hợp trong công tác truy quét các tụ điểm phá rừng, khai thác, chế biến, vận chuyển, mua bán và cất giữ lâm sản trái pháp luật trên địa bàn các tỉnh: Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng truy quét các điểm nóng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép tại huyện Đức Trọng và huyện Đam Rông phát hiện tại tiểu khu 213 có 03 cây gỗ bị khai thác trái pháp luật (gồm 01 cây gỗ tạp SP và 02 cây gỗ Thông ba lá) với khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường 4,168m3. Vụ việc bàn giao cho Hạt Kiểm lâm Đam Rông lập hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ Vườn quốc gia Yok Đôn truy quét các điểm nóng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép ngăn chặn 16 vụ, trong đó có 02 vụ khai thác, 07 vụ cất giấu, 03 vụ vận chuyển và 04 vụ đưa phương tiện vào rừng; khối lượng gỗ vi pham là 37,025m3; tang vật tạm giữ gồm 07 xe máy độ chế, 01 xe đạp, 01 cưa xăng và 01 Balan tời.

Về việc phối hợp đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật: Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm các địa phương, Đội Đặc nhiệm Cục Kiểm lâm, tổ chức kiểm tra, trinh sát nắm bắt thông tin tình hình thực tế công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được trên 25 lượt, trong đó đã phát hiện 08 vụ vi phạm với khối lượng gỗ vi phạm 739,998m3.

Qua một năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm vùng IV với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh trong vùng đã được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Do đó, công tác thực hiện quy chế phối hợp là rất cần thiết, góp phần nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong vùng, chủ rừng và người dân, tạo thuận lợi rất lớn để lực lượng Kiểm lâm phát huy hiệu quả nòng cốt trong quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững.

Nguồn: Phòng NV III - Chi cục Kiểm lâm vùng IV