Giao đất, giao rừng, quản lý bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên trong thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 Ban Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng t

17/08/2023

Sáng ngày 14 tháng 8 năm 2023 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Hội KHKT Nông nghiệp và PTNT Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị nghiên cứu, tham vấn về công tác giao đất, giao rừng, quản lý bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên trong thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 Ban Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk.

Về dự Hội nghị, gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị Hội KHKT Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đăk Lăk; Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Đăk Lăk; Chi cục Kiểm lâm vùng IV; Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk; UBND hyện Krông Năng; Bộ môn Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường, Trường Đại học Tây Nguyên; Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đăk Lăk; UBND các xã Yang Mao và Hòa Phong, huyện Krông Bông; Các đơn vị chủ rừng là tổ chức thuộc Nhà nước quản lý.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đồng chí Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội KHKT Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trường thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận hai nội dung chính, cụ thể: (1) Nhận định, đánh giá kết quả thực hiện công tác công tác giao đất, giao rừng, quản lý bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk; (2) Đề xuất, định hướng các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk nói riêng, vùng Tây Nguyên và cả nước nói chung.

Theo đánh giá, nhận định chung, từ năm 2017 đến nay mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 Ban Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng; Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đại biểu tham dự Hội nghị

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều điểm tồn tại, hạn chế như: Hiện trạng tài nguyên rừng của tỉnh hiện suy giảm nhiều (tỷ lệ che phủ rừng giảm, từ năm 2017 đến 2022 diện tích rừng tự nhiên giảm 57.738 ha, chất lượng rừng hiện còn bị suy thoái khá nghiêm trọng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên); Cơ sở dữ liệu 3 loại rừng hiện chưa được điều chỉnh theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Chính phủ; Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp còn cao, vẫn còn nhiều điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật chưa được xử lý triệt để dẫn đến nguy cơ mất rừng còn cao; Diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng còn thấp (60.434,20 ha), trong khi đó diện tích chưa giao, chưa cho thuê còn nhiều (108.456,50 ha, UBND cấp xã quản lý) dẫn đến giảm hiệu quả công tác xã hội hóa nghề rừng; Mặc dù quỹ đất còn nhiều (190.191,80 ha) nhưng hầu như dã bị người dân lấn chiếm, sử dụng trái pháp luật dẫn đến công tác phát triển rừng gặp nhiều khó khăn, hàng năm hầu chưa đạt chỉ tiêu; Hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nông nghiệp sau sắp xếp đổi mới còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; Tình trạng Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nghỉ việc hàng loạt dẫn đến thiếu hụt nhân lực đang khiến cho nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ở địa phương ngày càng trở nên khó khăn hơn; Việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương còn chậm, chưa có tính đột phá, còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao; Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng, địa phương chưa được thường xuyên; Nguồn vốn đầu tư cho phát triển lâm nghiệp còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Cũng tại Hội nghị này, các đại biểu đã thống nhất đề xuất một số khuyến nghị chính như sau: (1) Tiếp tục thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, ngành chức năng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp; Sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức, bộ máy, biên chế, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm; Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. (2) Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Rà soát, điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với các quy định của pháp luật và Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, điều kiện thực tiễn của địa phương làm cơ sở để lập Quy hoạch cấp tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; (3) Tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác, đặc biệt là các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang các mục đích khác. (4) Tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là công nghệ GIS, ảnh viễn thám và thiết bị bay trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng, đặc biệt là phát hiện sớm các điểm biến động rừng trái với quy định của pháp luật, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để phát sinh hình thành các “điểm nóng”. Và (5) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Kết thúc Hội nghi, thay mặt ban tổ chức, đồng chí Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội KHKT Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trường thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận các ý kiến đã chia sẻ tại Hội nghị, Hội KHKT Nông nghiệp và PTNT Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá cụ thể, đưa ra các khuyến nghị cần thiết trình Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp tại địa phương và trong phạm vi cả nước.

Ths. Nguyễn Đình Thắng

                               Trưởng phòng Nghiệp vụ II - Chi cục Kiểm lâm vùng IV