Đẩy mạnh công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ

30/03/2023

Nhằm cụ thể hóa các văn bản cấp trên về việc thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 – 21/5/2023). Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển lực lượng Kiểm lâm Việt Nam nói chung, lực lượng Kiểm lâm khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng. Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Vùng IV) đã tham mưu, ban hành các văn bản triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng tâm của ngành, phương án phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, hiệu quả.

Cụ thể tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cơ bản được kiểm soát, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được giảm dần theo từng năm: Năm 2022 giảm 836 vụ so với cùng kỳ năm 2021 (giảm 13,85%). Phối hợp với các bên liên quan trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương trong vùng, phát hiện, bắt giữ 630 vụ vi phạm. Lâm sản tịch thu sau xử lý là 276,523m3 gỗ tròn, xẻ các loại; 971 cá thể và 242,9 kg động vật hoang dã các loại. Ngoài ra, Vùng 4 phối hợp các tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.

Ngoài việc đôn đốc Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố tham mưu cho chính quyền địa phương chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Hàng năm, Vùng 4 đã phối hợp Chi cục Kiểm lâm trong vùng xác định các trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao với khoảng 2,296 triệu ha trong đó rừng tự nhiên 1,211 triệu ha, rừng trồng 0,936 triệu ha (chiếm 47,49% diện tích đất có rừng) và 0,149 triệu ha đất chủ yếu cây tái sinh và thảm cỏ cây bụi. Trong thời gian cao điểm về cháy rừng, thực hiện nghiêm túc phương châm 04 tại chỗ và 04 sẵn sàng nhằm chủ động thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí các tổ thường trực (tỉnh Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi) hỗ trợ con người, phương tiện và trang thiết bị sẵn sàng tham gia ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.


Phối hợp kiểm tra tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại tỉnh Kon Tum (ảnh Thế Phương)

Tăng cường, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin như công nghệ GIS, ảnh viễn thám (Planet, Sentinel..), cảnh báo mất rừng của Cục Kiểm lâm (Jica) để theo dõi, giám sát diễn biến, phát hiện sớm các điểm mất rừng để bàn giao cho địa phương (năm 2022 đã bàn giao 265 điểm), phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, các chủ rừng kiểm tra, truy quét, xử lý các điểm nóng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đã phát hiện 48 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Tang vật vi phạm gồm 140,844 m3 gỗ tròn, xẻ các loại và diện tích rừng bị thiệt hại 487,952 ha, trong đó có 11 vụ xử lý hình sự. Tổng số tiền thu nộp ngân sách 470.000.000 đồng điển hình như: Vụ khai thác rừng trái phép 41,238 m3 gỗ tròn, xẻ các loại tại tiểu khu 169 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa; vụ phá 12,43 ha rừng tại tiểu khu 115, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên... tiếp nhận, phối hợp kiểm tra, xác minh và xử lý 279 thông tin của các tổ chức, cá nhân phản ánh, tố giác về tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, thành lập 17 đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác lâm nghiệp và các đề án, dự án trọng tâm của ngành.


Đội KLCĐ&PCCCR kiểm tra, phát hiện vụ khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 114, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ, tỉnh Gia Lai (ảnh Tô Dương)

Trong quý I/2023 Vùng IV tổ chức thực hiện 5 đoàn công tác hỗ trợ, đôn đốc, hướng dẫn theo dõi diễn biến rừng, quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; chuyển 39 tin phản ánh về tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cho các tỉnh kiểm tra xác minh, xử lý theo quy định, chủ động lập kế hoạch trinh sát, phối hợp với các cơ quan Kiểm lâm, các ngành chức năng và đơn vị chủ rừng trong vùng kiểm tra, truy quét, xử lý các điểm nóng về phá rừng, khai thác, vận chuyển và tàng trữ lâm sản trái pháp luật. Qua đó, đã phát hiện, bàn giao 8 vụ vi phạm pháp luật cho các cơ quan điều tra, xác minh và xử lý theo quy định điển hình như: Vụ khai thác rừng trái pháp luật gây thiệt hại 5,402 m3 tại tiểu khu 114, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai, xã Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai; vụ khai thác rừng trái pháp luật gây thiệt hại 5,827 m3 tại tiểu khu 306, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên; vụ khai thác rừng trái pháp luật gây thiệt hại 17,300 m3 tiểu khu 1808, lâm phần do VQG Tà Đùng, tỉnh Đăk Nông…. Ngoài ra, theo số liệu thống kê cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2023 lực lượng kiểm lâm toàn vùng đã kiểm tra, phát hiện lập hồ sơ 644 vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp, giảm 229 vụ so với cùng kỳ tháng 3 năm 2022 (giảm 26,23%), xử lý hình sự 21 vụ. Lâm sản tịch thu 276,5 m3 gỗ tròn, xẻ các loại và 221 cá thể động vật hoang dã các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách là hơn 2,55 tỷ đồng.


Phối hợp kiểm tra tình hình phá rừng tại tỉnh Đắk Lắk (ảnh Thế Phương)

Nhận thấy, rừng có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, để tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ đạt 48,71% trong toàn vùng. Vì thế, Chi cục Kiểm lâm vùng IV luôn luôn nỗ lực hành động và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, đồng thời chủ động tham mưu cho cơ quan cấp trên và phối hợp các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng; Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với các quy định của pháp luật Luật lâm nghiệp; Kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong tình hình mới theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính Phủ và các chương trình, đề án, dự án khác trọng tâm của ngành.

Tác giả Tống Ngọc Chung