Cần có cái nhìn mới hơn về cắm mốc các loại rừng

31/12/2017

Trong những năm gần đây công tác quản lý bảo vệ rừng đã được quan tâm và chú trọng, nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của rừng đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên áp lực của việc gia tăng dân số, dân di cư tự do, tập quán canh tác của người dân sống gần rừng nên nhu cầu về đất sản xuất và nhu cầu về gỗ, lâm sản ngày càng tăng. Do đó việc phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn còn xảy ra ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương, giữa vùng đệm với các Vườn quốc gia, khu bảo tồn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng, gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Việc xác định ranh giới và cắm mốc ranh giới của các khu rừng là rất quan trọng và hết sức cần thiết nhằm mục tiêu xác định rõ ranh giới của rừng với các địa phương, chủ rừng lân cận, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân trong việc bảo vệ rừng. Đồng thời, để tăng cường cơ sở pháp lý cho việc quản lý rừng của các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp, xác định phạm vi trách nhiệm của chủ rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ các loại rừng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 3013/1997/QĐ-BNN ngày 20/11/1997 về việc ban hành quy chế xác định ranh giới và cắm mốc các loại rừng có “Quy chế xác định ranh giới và cắm mốc các loại rừng” kèm theo. Bản quy chế này quy định những nguyên tắc cơ bản, các giải pháp kỹ thuật chủ yếu cho việc xác định ranh giới và cắm mốc các loại rừng. Quy chế này áp dụng cho việc xác định ranh giới và cắm mốc đối với các loại rừng và đất rừng sau đây: Ranh giới và mốc giới các loại rừng là cơ sở xác định lâm phận các loại rừng đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để ngăn ngừa, xử lý các trường hợp lấn chiếm rừng, tranh chấp quyền sử dụng đất, sử dụng rừng.

Theo Điều 5 của Quyết định 3013/1997/QĐ-BNN ngày 20/11/1997: Xác định ranh giới nêu rõ: Đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ: Ở những nơi đã có các văn bản pháp lý thì căn cứ vào bản đồ tiến hành xác định ranh giới trên thực địa. Nếu ranh giới trên bản đồ phù hợp với ranh giới hiện đang quản lý trên thực địa thì tiến hành cắm mốc. Nếu không phù hợp thì tiến hành bổ sung hoặc chỉnh lý sau đó mới tiến hành cắm mốc; Đối với các khu rừng tự nhiên: Nơi đã có các văn bản pháp lý thì căn cứ vào bản đồ quy hoạch kết hợp với bản đồ kiểm kê rừng nếu có để tiến hành xác định ranh giới và cắm mốc trên thực địa. Nơi chưa có các văn bản pháp lý hoặc đã có nhưng không còn phù hợp thì Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, xã thực hiện việc xác định ranh giới và cắm mốc, sau đó chuyển giao kết quả và hồ sơ khu rừng cho Uỷ ban nhân dân nơi có rừng, cơ quan kiểm lâm và cơ quan nông nghiệp và PTNT để quản lý.

Trên cơ sở của bản đồ kết quả kiểm kê rừng các tỉnh thuộc dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016” thực hiện theo Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016 thì bản đồ kết quả kiểm kê rừng của các tỉnh có rừng đã được thu thập với các thông tin chính về hiện trạng rừng, trữ lượng rừng, quy hoạch ba loại rừng, chủ quản lý rừng.

Từ quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển lâm nghiệp và quy hoạch hoạch ba loại rừng toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020; Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp; Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 134/2016/QH13 của Quốc hội khóa XIII về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất cuối kỳ (2016-2020) cấp quốc gia; Văn bản số 1927/TTg-KTN ngày 02 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc. Đồng thời việc thực hiện Chỉ thị 38/2005/CT-TTg đến nay đã được trên 10 năm, trong giai đoạn này một số tỉnh đã có những điều chỉnh cục bộ ba loại rừng để sát với thực tế sản xuất, đồng thời trong giai đoạn này các địa phương cũng đã thực hiện một số dự án quan trọng phục vụ kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia nên đã làm thay đổi rất lớn đến cơ cấu ba loại rừng, cũng như tổng diện tích đất lâm nghiệp. Ngoài những vấn đề nêu trên thì quy hoạch ba loại rừng hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp, như: Số liệu diện tích quy hoạch ba loại rừng hiện tại của các địa phương chưa đúng với chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất cấp quốc gia của Chính phủ (Công văn 1927/TTg-KTN) cũng như Nghị quyết số 134/2016/QH13 của Quốc hội; Số liệu quy hoạch ba loại rừng toàn quốc không giống nhau từ 6 nguồn tài liệu: (1) Nghị quyết 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016; (2) Công văn số 1927/TTG-KTN ngày 2/11/2016 của Thủ tướng; (3) Bản đồ kết quả quy hoạch ba loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg; (4) Số liệu quy hoạch theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg; (5) Bản đồ kết quả Điều tra kiểm kê rừng 2013-2016; (6) Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; điều này phản ánh chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Chính vì vậy mà việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của các địa phương và việc rà soát, đo đạc lại ranh giới, diện tích của các chủ quản lý theo ranh giới quy hoạch mới làm cơ sở để cấp đổi, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng cho các đơn vị chủ rừng là tất yếu.

Theo Điều 8 của Quyết định 3013/1997/QĐ-BNN ngày 20/11/1997 thì vị trí cắm mốc: Mốc được chôn cố định xuống đất trên đường ranh giới đảm bảo bền vững chắc chắn; Tại các vị trí đổi hướng của đường ranh giới, nơi không có địa hình đặc trưng, khó phân định ranh giới thì nhất thiết phải cắm mốc; Đối với những nơi giáp khu dân cư có nhiều nguy cơ bị xâm phạm, nơi ranh giới khó nhận biết do có quá ít các chi tiết địa hình, địa vật như vùng đồi bát úp hoặc đất bằng ven biển, cự ly các mốc không quá 1.000 mét; Bảng cắm trên đường ranh giới khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ ở những vùng giáp ranh, nơi tiếp giáp khu dân cư, nơi có đường giao thông qua lại hoặc nơi có rừng đang bị chặt phá, lấn chiếm mạnh.

Trong phạm vi hoạt động của Chi cục Kiểm lâm vùng IV có 177 chủ rừng bao gồm: 03 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp; 6 Vườn quốc gia trực thuộc UBND các tỉnh; 13 Khu BTTN; 90 Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; 65 doanh nghiệp Nhà nước. Đơn cử có năm 2010 khu BTTN Tà Đùng với quy mô 22.100,3 ha rừng và đất rừng, nằm trên địa giới hành chính 02 xã Đăk Som, Đăk Plao - huyện Đăk Glong - tỉnh Đăk Nông, tổng số mốc: 100 mốc với tổng kinh phí: 227.324.820 đồng; Năm 2016 Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, tỉnh Quảng Nam với diện tích 24.469,39 ha nằm trên địa bàn các huyện: Đông Giang và Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, tổng số mốc: 462 cái (400 mốc, Bảng BTCT: 12 bảng; Bảng bằng tôn: 50 bảng) với tổng kinh phí 1.427.164.089 đồng (Tờ trình số131 /TTr-SNN&PTNT, ngày 11/4/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam về Đề nghị phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công công trình cắm mốc ranh giới lâm phận Bna quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn tỉnh Quảng Nam).

Qua đó cho thấy, trên thực tế việc đóng cọc mốc, cắm biển báo ranh giới ba loại rừng với nguồn kinh phí tương đối lớn nhưng cột mốc có thể bị di dời qua thời gian. Thay vì đóng mốc, có thể thay bằng đai xanh (trồng cây xanh) hoặc băng trắng tùy theo điều kiện từng địa phương, địa hình sẽ hiệu quả. Mặt khác, ở những vùng giáp với vùng sản xuất nương rẫy của người dân thì thay việc cắm mốc ranh giới bằng đai xanh (trồng cây xanh) vừa phân định ranh giới rõ ràng vừa có tác dụng làm băng cản lửa khi người dân dùng lửa bất cẩn để cháy lan vào rừng. Vậy thì nên chăng cần khuyến khích trồng đai xanh thay cho cắm cọc mốc bằng bê tông ở những nơi có thể như hiện nay.


(Nguồn: sưu tầm ảnh từ internet)

Lâm nghiệp được xác định là một ngành kinh tế, kỹ thuật đặc thù, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, phát triển nông nghiệp và nông thôn, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng. Trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng có ghi “Rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống của nhân dân với sự sống còn của dân tộc”. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm vật chất truyền thống cho nền kinh tế quốc dân như gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ, lâm nghiệp còn cung cấp nhiều dịch vụ to lớn trong bảo vệ môi trường và giảm nhẹ thiên tai như giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đất, điều tiết nguồn nước, bảo vệ cảnh quan, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học.

Những kết quả và thành tựu đạt được trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay.

Nguồn: Hòa Bình – Phòng Nghiệp vụ II