Phối hợp, kiểm tra công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum năm 2023

15/11/2023

Thực hiện Văn bản số 216/KLV4-QLR ngày 19/10/2023 của Chi cục Kiểm lâm vùng IV về việc kiểm tra công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng. Từ ngày 30/10 đến ngày 10/11/2023, đoàn công tác Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã tiến hành phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai kiểm tra công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn 02 tỉnh.

Tham gia đoàn công tác có Đồng chí Bùi Sanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV làm trưởng đoàn, Đồng chí Nguyễn Đình Thắng - Trưởng phòng QLBVR - Chi cục Kiểm lâm vùng IV và Công chức của Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã làm việc với Chi cục Kiểm lâm 02 tỉnh và kiểm tra thực tế hiện trường tại huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum, huyện Chư Pưh tỉnh Gia Lai.

 

Đoàn công tác làm việc với Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum

 

Đoàn công tác làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh tỉnh Gia Lai

Qua làm việc với 02 đơn vị đoàn công tác đã đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 Ban Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021); Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022); Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc Hội; Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/11/2022 và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, anh ninh; Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch và các đề án, dự án trọng tâm của ngành, địa phương trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển rừng.

Đồng thời các đơn vị đã chủ động tham mưu cho cơ quan cấp trên và UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các Sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị Kiểm lâm trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định

Đoàn công tác đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh trao đổi, làm việc tại Công ty trồng rừng và cây công nghiệp thuộc Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai

Qua kiểm tra, báo cáo của các đơn vị đoàn công tác nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại bất cập cụ thể như:

a) Về công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp:

- Theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai thì 02 cơ quan chính tham mưu thực hiện công việc này là Tài nguyên và Môi trường và Kiểm lâm. Tuy nhiên, ở địa phương có nơi lại giao cho Phòng Nông nghiệp phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện (huyện Krông Pa, Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Prông và Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai), có nơi lại giao cho cơ quan Kiểm lâm với Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện (huyện Krông Chro, Chư Pưh và Ia Grai, tỉnh Gia Lai và Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Điều này dẫn đến chưa có sự thống nhất cao trong quá trình thực hiện và gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn 02 tỉnh.

- Việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng và phát triển là xu thế mới trong tiến trình hiện nay, vấn đề này đã được quy định rõ trong pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, trong Bộ Luật Dân sự chưa thừa nhận cộng đồng là một chủ thể pháp nhân (hiện nay đơn vị thấp nhất là cấp xã) dẫn đến hạn chế các quyền của cộng đồng, mặt khác khi xảy ra các vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đất đai trên diện tích cộng đồng được giao quản lý thì lại thiếu các chế tài để xử lý dẫn đến giảm hiệu lực của pháp luật.

- Chính sách hưởng lợi và các chính sách hỗ trợ khác cho các chủ quản lý rừng, đặc biệt là cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng sau khi được nhà nước giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để quản lý, sử dụng, kinh doanh phát triển rừng còn nhiều chồng chéo, bất cập, khó thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh đóng cửa rừng tự nhiên hiện nay (hộ gia đình và cộng đồng chủ yếu được giao rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng phục hồi và chỉ được hưởng lợi từ việc thu hái lâm sản phụ, tiền dịch vụ môi trường rừng nếu nằm trong lưu vực được hưởng thụ, trồng xen cây dưới tán rừng, thiếu quỹ đất để sản xuất nông lâm kết hợp; Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, Quyết định số 4/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 và Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 gặp nhiều khó khăn); Mặt khác, thiếu quy trình kỹ thuật lâm sinh có tính đặc thù để hướng dẫn, hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng, sau khi được nhà nước giao đất, giao rừng.  Do vậy, chưa thu hút được người dân và cộng đồng tham gia nhận đất, nhận rừng.

- Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hầu hết thuộc hộ nghèo, trình độ nhận thức còn hạn chế, không đủ nhân lực, kinh phí để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

b) Về chuyển mục đích sử dụng rừng:

- Về điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Khoản 1 điều 19 Luật Lâm nghiệp) quy định: “Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Thực tế hiện nay, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia chưa được phê duyệt, mặt khác trong kỳ quy hoạch địa phương không thể xác định được đầy đủ tất cả các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để tích hợp vào quy lâm nghiệp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia theo quy định, chưa kể các dự án phát sinh sau quy lâm nghiệp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia được phê duyệt dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Hiện tại các địa phương đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/8/2023 của Chính phủ.

- Về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: Thực tế hiện nay việc chuyển mục mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác (không quy định về quy mô diện tích) đều phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương, cho phép mới được triển khai thực hiện; Trong khi đó Khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp và điểm b Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (có giới hạn về quy mô diện tích). Điều này gây khó khăn và mất nhiều thời gian cho quá trình thực hiện.

- Theo quy định tại mục 5 Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quy định: “… dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước; …”. Như vậy, các dự án sau khi được cấp thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, thì việc giải phóng mặt bằng khu rừng, khai thác tận dụng lâm sản sẽ không được triển khai thực hiện, điều này gây lãng phí tài nguyên rừng.

Qua đợt kiểm tra lần này đoàn công tác sẽ có báo cáo cho Cục Kiểm lâm những tồn tại, vướng mắc nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương để công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng đạt hiệu quả cao nhất.

Nguồn, ảnh: Thế Phương – Chi cục Kiểm lâm vùng IV