Các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ công bố hiện trạng rừng năm 2023 với tỷ lệ độ che phủ rừng bình quân đạt 48,96% tăng 0,25% so với năm 2022

13/03/2024

Theo số liệu tổng hợp, báo cáo của Chi cục Kiểm lâm vùng IV cho thấy tính đến ngày 04/03/2024, các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ (11 tỉnh, thành phố - Trừ Ninh Thuận và Bình Thuận) đã hoàn thành việc phê duyệt, công bố hiện trạng rừng năm 2023. Theo kế quả công bố này, toàn vùng hiện có 5,563 triệu ha đất quy hoạch lâm nghiệp, phân theo cơ cấu 3 loại rừng gồm: rừng đặc dụng 0,771 triệu ha, rừng phòng hộ 1,503 triệu ha và rừng sản xuất 3,289 triệu ha (bao gồm cả diện tích đất có rừng ngoài cơ cấu 3 loại rừng).

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Rừng gỗ lá rộng thường xanh núi đất tại huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông

Tổng diện tích đất có rừng 4,546 triệu ha (bao gồm cả diện tích đất có rừng ngoài cơ cấu 3 loại rừng), trong đó rừng tự nhiên 3,223 triệu ha, rừng trồng thành rừng 1,080 triệu ha và rừng trồng chưa thành rừng 0,243 triệu ha.

Tỷ lệ độ che phủ rừng bình quân toàn vùng đạt 48,96% trong đó khu vực Duyên hải Nam Trung bộ (06 tỉnh, thành phố) là 53,04% và khu vực Tây Nguyên là 46,47% (05 tỉnh), tăng 0,25% so với năm 2022 (khu vực Duyên hải Nam Trung bộ tăng 0,37% và khu vực Tây Nguyên tăng 0,19%).

 

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Rừng trồng gỗ lớn (Keo lai) tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi

Để quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã công bố, trong thời gian tới các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau: Tổ chức quản lý, sử dụng số liệu hiện trạng rừng, tiếp tục thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp, Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp (3 loại rừng) theo đúng Quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (Quy hoạch cấp tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.

Nguồn: Ths. Nguyễn Đình Thắng

Phòng QLBVR - Chi cục Kiểm lâm vùng IV