Các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục đối mặt với nguy cơ cháy rừng rất cao

21/03/2024

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (bản tin dự báo tuần và tháng); Hệ thống cảnh báo cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm (https://watch.pcccr.vn/CanhBao) và Hệ thống thông tin quản lý lửa rừng trực tuyến của NASA (https://firms2.modaps.eosdis.nasa.gov/map/) cho thấy từ ngày 19/3/2024 đến ngày 10/4/2024 (nửa cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2024) tình hình thời tiết tại các tỉnh Tây Nguyên còn diễn biến phức tạp, nhiệt độ có xu hướng tiếp tục tăng cao, tăng từ 1,0 đến 1,5 độ, nắng nóng, khô hạn còn tiếp tục kéo dài, gây ra tình trạng thiếu nước ở nhiều nơi, nhiều khu rừng (Rừng Thông tự nhiên, rừng lá rộng rụng lá và nửa rụng lá, tre nứa thuần loài, rừng trồng các loại, …) đang ở cấp cảnh báo cháy rừng thuộc cấp IV và cấp V (Cấp nguy hiểm và Cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng là rất cao.

Ảnh: Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Chi cục Kiểm lâm vùng IV - Vụ cháy rừng Thông tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Theo số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là từ nửa cuối tháng 02 đến trung tuần tháng 3/2024 đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ cháy rừng tại các tỉnh Tây Nguyên gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và đời sống của người dân trên địa bàn. Cụ thể: Đăk Nông 11 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 9,565 ha (rừng tự nhiên, rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng); Gia Lai 01 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 24,88 ha rừng trồng chưa thành rừng; Kon Tum 01 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 1,3 ha rừng trồng chưa thành rừng; Đăk Lăk 01 vụ cháy, gây thiệt hại 3,97 ha rừng trồng và Lâm Đồng 01 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 2,10 ha rừng Thông tự nhiên và rừng trồng Thông. Ngoài ra, còn hàng xảy ra trên 100 vụ cháy dưới tán rừng (cháy thảm thực vật), chưa gây thiệt hại đến tài nguyên rừng (Lâm Đồng 90 vụ).

Ảnh: Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Chi cục Kiểm lâm vùng IV - Phối hợp tham gia ứng cứu chữa cháy rừng tại tỉnh Lâm Đồng

Để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra. Ngày 08/3/2024 Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục ban hành Văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (Văn bản số 1643/BNN-KL); Trong đó, yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư  về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục kiểm tra, rà soát lại các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở tất cả các cấp và các đơn vị chủ rừng, đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng; Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ 3 sẵn sàng; Có phương án, kế hoạch sẵn sàng phối hợp các lực lượng để ứng phó, xử lý kịp thời đối với các tình huống cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và khi xảy ra cháy lớn, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng; Phân công, bố trí lực lượng trực, ứng trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao, kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn. Tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng gây ra cháy rừng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng./.

 Ths. Nguyễn Đình Thắng, Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm vùng IV