Bình Định: Nông dân Vĩnh Thạnh tự phát trồng cây mắc ca

24/08/2015
Gần đây, trên địa bàn xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), dù hiểu biết về cây mắc ca còn lơ mơ, nhưng một số nông dân vẫn đua nhau trồng. Trước thực trạng đó, Sở NN&PTNT tỉnh đã có khuyến cáo đến người dân và yêu cầu các ngành chức năng liên quan có giải pháp không để người dân tự ý trồng và tiếp tục mở rộng đại trà loại cây này.


Thời gian gần đây, nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp chuyên cung ứng cây giống mắc ca ở các tỉnh Tây Nguyên đã về xã Vĩnh Sơn giới thiệu sản phẩm.

Cứ trồng dù chưa biết tiêu thụ ở đâu!

Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người dân ở xã Vĩnh Sơn tự ý tìm hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Nghe tin đồn rằng cây mắc ca phù hợp điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu ở Tây Nguyên, đem lại hiệu quả kinh tế cao, một số nông dân ở xã Vĩnh Sơn đã quyết định chuyển sang trồng loại cây này.

Đáng lo, các hộ dân trồng cây mắc ca ở đây đều mơ hồ về thị trường đầu ra loại nông sản này; thậm chí, có người “tìm đến” cây mắc ca chỉ qua kênh thông tin trên mạng internet hoặc một số đơn vị cung ứng giống ở nơi khác về tận nơi giới thiệu. “Đến nay, toàn xã có 14 hộ dân tham gia trồng cây mắc ca; diện tích khoảng 14 ha, tập trung chủ yếu ở làng K8, K4, K2”, ông Đặng Văn Khánh, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Sơn, cho biết.

Giữa tháng 8.2015, chúng tôi về làng K8, xã Vĩnh Sơn và chứng kiến nhiều khu đất được người dân trồng cây mắc ca đã lên xanh tốt; thậm chí, có vườn cây mắc ca được trồng cách đây 2 năm, cây cao 1m. Qua tìm hiểu, hầu hết những diện tích này được người dân trồng vào giữa năm 2014. “Xem tivi thấy người ta nói quá nhiều về cây mắc ca nên tui lên tỉnh Đắc Lắc tìm mua cây giống về trồng; sau gần 1 năm chăm sóc, tui thấy 3 ha cây mắc ca đều sinh trưởng khá tốt”, một người dân trồng mắc ca tại làng K8, nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: “Chúng tôi đã nắm được thông tin về tình trạng các hộ dân ở xã Vĩnh Sơn rủ nhau đi trồng cây mắc ca tại địa phương. Để kiểm soát tình hình phát triển cây mắc ca tại địa phương, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây mắc ca tại các cơ sở sản xuất, mua bán giống; khuyến cáo người dân không nên tự phát trồng cây mắc ca. Huyện cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn cần ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp tự ý trồng cây mắc ca, gây phá vỡ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế ở địa phương”.

Cẩn trọng khi phát triển cây mắc ca

Đó là khuyến cáo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn. Ông Tuấn cho hay: “Người dân không nên nóng vội, đua nhau trồng cây mắc ca trong khi chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật canh tác, chế biến, bảo quản, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm, vì sẽ gây thiệt hại cho nông dân”.

Về cấp độ địa phương, ông Lê Văn Đẩu nêu ý kiến: “Đến nay, tính hiệu quả khi phát triển loại cây mắc ca vẫn chưa được khẳng định; vì vậy, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình về việc phát triển loại cây này; tuyệt đối không để bà con ồ ạt mở rộng diện tích phát triển. Riêng đối với những diện tích đã trồng ở xã Vĩnh Sơn, trước mắt, huyện yêu cầu địa phương hướng dẫn bà con cách chăm sóc, khoanh vùng, không cho mở rộng thêm diện tích; đồng thời, xã cần nắm bắt và báo cáo kịp thời về huyện những trường hợp tự ý mua cây giống mở rộng quy mô phát triển, để có hướng xử lý kịp thời”.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện tại UBND tỉnh chưa có chủ trương cho phép người dân trong tỉnh trồng cây mắc ca và Bình Định cũng không nằm trong vùng được Bộ NN&PTNT cho trồng khảo nghiệm giống cây này. Hơn nữa, cây mắc ca là cây trồng mới, ở tỉnh ta chưa có mô hình trồng khảo nghiệm nào được triển khai nên không có đủ cơ sở đánh giá một cách chính xác và toàn diện loài cây này có phù hợp để trồng hay không. Mặt khác, thị trường về cây mắc ca trong nước chưa hình thành và cũng chưa xác định thị trường xuất khẩu tiềm năng, chưa phân tích khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, đây là cây trồng dài ngày, sau 7 năm mới cho thu hoạch, tiền đầu tư lớn, khả năng rủi ro trong sản xuất khá cao.

“Trước mắt, để ngăn chặn tình trạng người dân đổ xô trồng cây mắc ca, Sở NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến về các nội dung liên quan đến cây mắc ca cho người dân biết; cần khuyến cáo chưa nên trồng cây mắc ca tập trung, trồng thay thế các loại cây trồng khác hiện nay. Địa phương nào để người dân tự ý trồng hoặc mở rộng diện tích đất để trồng cây mắc ca thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm”, ông Hổ quả quyết.

Nguồn, Ảnh, Web :TRỌNG LỢI - Báo Bình Định Online
http://www.baobinhdinh.com.vn/