Bình thuận: Nỗ lực giữ rừng, nhưng rừng vẫn mất !

04/09/2015
Dường như, năm nào rừng Bình Thuận cũng bị tàn phá, lúc ít, lúc nhiều. Song, thời gian gần đây mặc dù lực lượng bảo vệ rừng và các địa phương nỗ lực giữ rừng, nhưng lại xuất hiện nhiều vụ phá rừng mới với quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng. Tập trung ở địa bàn xã Hàm Cường, Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam); các xã ở huyện Bắc Bình giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Trong những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015 liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng tại khu vực giáp ranh xã Phan Sơn (Bắc Bình) với huyện Di Linh (Lâm Đồng) thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy quản lý với số lượng hàng trăm m3 gỗ bị chặt hạ. Nổi cộm là vụ khai thác trái phép 42 cây gỗ bằng lăng nhóm 3 tại tiểu khu 73A, 79 với trữ lượng thiệt hại 49,23m3; vụ khai thác trái phép 58 cây gỗ các loại từ nhóm 2 đến nhóm 5 tại tiểu khu 73A với trữ lượng thiệt hại 172,787m3; vụ khai thác trái phép 27 cây gỗ dầu trà beng nhóm 4 tại tiểu khu 71 với trữ lượng thiệt hại 29,043m3. Gần đây, tại khu vực lâm phận do Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (Hàm Thuận Nam) đã xảy ra 6 vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép, khối lượng gỗ các loại thiệt hại hơn 20,342m3. Cơ quan chức năng đã chuyển công an Hàm Thuận Nam khởi tố 1 vụ. Trong tháng 4/2015 TAND Hàm Thuận Nam đã xét xử tuyên phạt 5 bị cáo với mức án từ 9-24 tháng tù giam cho mỗi bị cáo và 4 bị cáo mức án 9 tháng tù treo cho mỗi bị cáo. 5 vụ còn lại không xác định được khối lượng, chỉ thu giữ một số phương tiện khai thác gỗ trái phép. Riêng vụ phá rừng Nà Dệt, Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam với quy mô lớn và có dấu hiệu tiếp tay của lực lượng bảo vệ rừng, hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang hoàn tất hồ sơ, tiến hành giám định thiệt hại rừng để kết luận xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan.


Hầm than tại rừng


Kẻ phá rừng chở gỗ bằng xe thồ

Gỗ thu giữ đưa về tại Trạm BVR Đại Ninh

Từ những vụ phá rừng nói trên cho thấy, tuy được tăng cường chỉ đạo, tăng cường lực lượng giữ rừng, nhưng rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá. Nguyên nhân về mặt khách quan là do địa hình vùng giáp ranh trải dài, đồi núi cao, chia cắt hiểm trở; việc tuần tra quan lý bảo vệ rừng hết sức khó khăn. Tại địa bàn tỉnh Bình Thuận quy hoạch là rừng phòng hộ chủ yếu, trong khi đó phía tỉnh Lâm Đồng là đất sản xuất nông nghiệp của người dân nên họ sản xuất sinh hoạt sát ranh rừng phòng hộ; phần lớn các đối tượng phá rừng giáp ranh là dân ngoài tỉnh nên khó khăn trong công tác giáo dục tuyên truyền, vận động bảo vệ rừng cũng như khó khăn trong xử lý các hành vi vi phạm. Mặt khác, các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, UBND các xã chưa phối hợp tốt trong công tác bảo vệ rừng. Các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh chưa đến nơi đến chốn. Nhất là đơn vị chủ rừng trực tiếp quản lý lâm phận, UBND xã, kiểm lâm địa bàn và các hộ nhận khoán… chưa làm hết trách nhiệm; lực lượng bảo vệ rừng không được trang bị vũ khí, quân dụng hỗ trợ nên không đủ sức răn đe khi phát hiện, đối đầu với đối tượng phá rừng.

Để tiếp tục giữ rừng có hiệu quả, thiết nghĩ trước hết phải làm tốt công tác bảo vệ rừng tận gốc của chủ rừng; xử lý kịp thời các vụ mới phát sinh. Tăng cường quản lý các trạm bảo vệ rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát lâm sản, truy quét các khu vực trọng điểm phá rừng, nhất là vùng rừng giáp ranh; duy trì chốt bảo vệ rừng Đỉnh Xanh, Sa Mai (giáp ranh với Di Linh, Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng) để kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi phá rừng. Đồng thời, tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn về cơ sở, phối hợp với trạm bảo vệ rừng để hỗ trợ về vũ khí, quân dụng khi thực hiện tuần tra, truy quét chống phá rừng.

Nguồn, Ảnh: Lê Thanh - Báo Bình Thuân Online

Web: http://www.baobinhthuan.com.vn/