Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý động vật rừng, thực vật rừng tại tỉnh Đăk Nông

15/12/2023

Đăk Nông là một tỉnh nằm ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam, có diện tích rừng phủ rộng và đa dạng sinh học phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý động vật rừng và thực vật rừng tại đây cũng đang gặp phải nhiều thách thức. Trong bối cảnh ngày càng gia tăng về tình trạng khai thác trái phép, buôn bán và sử dụng các loài động vật rừng, thực vật rừng,  việc kiểm tra và chấp hành pháp luật về quản lý động vật rừng, thực vật rừng tại Đăk Nông là rất cần thiết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này.

Vào ngày 27/11/2023, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã ban hành văn bản số 250/KLV4-QLR về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý động vật rừng, thực vật rừng tại tỉnh Đăk Nông. Đoàn kiểm tra đã tiến hành làm việc trong 05 ngày, từ ngày 04/12/2023 đến ngày 08/12/2023 tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Nông. Sau khi tiến hành kiểm tra, đoàn đã nhận thấy sự quan tâm và nỗ lực của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Nông trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cấp thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan hoạt động quản lý động vật rừng như Công văn số 2155/SNN-KL ngày 08/9/2023; số 2349/SNN-KL ngày 29/9/2023; số 2712/SNN-KL ngày 07/11/2023; và các văn bản khác.

Hiện tại, theo số liệu báo cáo thống kê trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có tổng cộng 144 cơ sở nuôi động vật rừng, trong đó có 64 cơ sở được cấp mã số cơ sở nuôi. Tổng số cá thể động vật rừng trên địa bàn là 6.002, trong đó có 1.223 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục CITES; 4.779 cá thể động vật rừng thông thường.

Tổng số các loài động vật rừng, thực vật rừng được nuôi, trồng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông là 30 loài, gồm:

- Động vật rừng thông thường: 08 loài (Dúi mốc lớn, Dúi má đào, Dúi mốc đỏ, Nhim, Don, Hươu sao, Đà điểu, Diều dúi).

- Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm: 22 loài (Cầy vòi hương, Cầy vòi mốc, Nai, Công Ấn Độ, Công, Hổ, Báo hoa mai, Voi châu Á, Gấu ngựa, Gấu chó, Sư tử, Linh dương sừng xoắn, Khỉ đuôi dài, Khỉ đuôi lợn, Khỉ mặt đỏ, Vượn đen má vàng, Kỳ đà hoa, Mèo rừng, Rùa răng, Cầy mực, Vọc bạc, Cá sấu nước ngọt.

Trong năm 2023 (tính đến 04/12/2023), Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông đã hướng dẫn và cấp mã số cơ sở nuôi động vật rừng cho 24 cơ sở. Các cơ sở nuôi động vật rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, nuôi dưỡng động vật rừng, như: sử dụng nguồn gốc động vật rừng hợp pháp; đảm bảo điều kiện chuồng trại, vệ sinh môi trường; lập, ghi chép các loại sổ theo dõi; báo cáo định kỳ cho cơ quan chức năng. Cùng với đó, công tác tiếp nhận, cứu hộ, quản lý xuất, nhập động, thực vật hoang dã, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về động vật rừng và vi phạm khác có liên quan đều được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Nông triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra thực tế trại gây nuôi động vật thông thường (Dúi) của ông Trần Văn Toàn có địa chỉ Thôn 8, xã Thuận Hà, huyện Đăk Song.

Nhờ sự thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, trong năm 2023, các cơ sở nuôi động vật rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã hoạt động hiệu quả và đảm bảo an toàn cho các loài động vật rừng, thực vật rừng. Việc lập sổ theo dõi và báo cáo định kỳ cũng giúp cơ quan chức năng có thông tin chính xác và kịp thời về tình hình quản lý động vật rừng, thực vật rừng trên địa bàn tỉnh.

 Nguồn: Nguyễn Phi Hùng, Kiểm lâm viên phòng Quản lý bảo vệ rừng  - Chi cục Kiểm lâm vùng IV