Rừng là trụ cột xanh cho phát triển kinh tế bền vững

04/05/2020

"Ngày nay rừng đã được xem như là một trụ cột xanh cho phát triển kinh tế bền vững ở mọi quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Bởi dưới tán rừng xanh là một màu vàng, màu của giá trị kinh tế,..." - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Văn Điển nhận định.

Chiều 24/12, tại Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp đã phát động cuộc thi viết với chủ đề “Rừng là cuộc sống của tôi”.


Quang cảnh buổi lễ phát động.

Tại lễ phát động trên, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: "Từ năm 1664, các nhà học giả Pháp cũng đưa ra một ý như sau: “Rừng cây hay sự diễn thuyết về rừng”, ngụ ý ở đây rất sâu sắc là duy trì rừng cây hay phá hủy nó?, phá hủy nó để làm việc khác, lấy đất làm việc khác. Chính những nhà thơ của Pháp đã góp phần trả lời câu hỏi này “Hồn Tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm/Rừng suy tàn Tổ quốc lâm nguy”. Câu thơ đã nói lên hết vai trò quan trọng của rừng và nó càng quan trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày nay, vì thế nó còn mang tính thời đại".



Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục đưa ra một dẫn chứng để nói lên tầm quan trọng của rừng: Tanzania dự báo, nếu giai đoạn 2013-2033, mỗi năm quốc gia này mất 372.000 ha rừng để lấy đất làm việc khác, sẽ thu về 92 triệu USD nhưng tổn thất là 263 triệu USD.

"Từ dẫn chứng trên cho thấy, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được nếu chuyển rừng thành loại khác. Vì thế, rừng chính là một lợi thế chứ không phải là gánh nặng, không phải là cái mà chúng ta đem ra đánh đổi" - ông Điển đánh giá.

Ông Điển cho biết thêm, lợi thế từ rừng chính là lợi thế từ giá trị sinh thái. Ở Nhật Bản, tính giá trị sinh thái của rừng bên cạnh giá trị lâm sản là 96%, còn ở Đức và Trung Quốc gần 93%, Việt Nam là trên 90%, Ấn Độ là 80% tổng giá trị của rừng là từ giá trị sinh thái. Vì thế, giá trị sinh thái chính là nền tảng của một cơ sở hạ tầng xanh.

Trước đây khi nhắc đến phát triển kinh tế xã hội đặc biệt ở vùng núi thường đề cập tới những cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, thì ngày nay đã bổ sung thêm một cơ sở hạ tầng rất quan trọng nữa là rừng - cơ sở hạ tầng xanh.

Theo yêu cầu của Ban Tổ chức, cuộc thi viết “Rừng là cuộc sống của tôi” bao gồm 3 thể loại: Phóng sự, Truyện ngắn, Thơ. Đối tượng tham gia là các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên.

Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm chưa xuất bản hoặc chưa in trên báo, tạp chí, chưa được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác trong nước, ngoài nước.

Bản thảo dự thi được viết tay hoặc đánh máy rõ ràng, sạch sẽ, ghi rõ họ tên, số chứng minh thư nhân dân, địa chỉ, số điện thoại liên lạc.

Đối với thể loại Thơ, mỗi tác giả dự thi không quá 3 tác phẩm bằng tiếng Việt. Đối với thể loại phóng sự, truyện ngắn, mỗi tác phẩm dài không quá 5.000 chữ, 1 tác giả dự thi không quá 3 tác phẩm. Mỗi tác giả có thể dự thi cả 3 thể loại.

Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/6/2020. Tháng 8/2020, Ban tổ chức sẽ tổ chức trao giải cuộc thi.

Tác phẩm dự thi gửi trực tiếp đồng thời bằng văn bản và email đến: Báo Nông nghiệp Việt Nam, số14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: runglacuocsongcuatoi@gmail.com.

Ngoài phong bì thư/chủ đề email ghi rõ: Bài dự thi “Rừng là cuộc sống của tôi”.

Ban tổ chức cho biết sẽ lựa chọn, trao 1 giải Nhất trị giá 20 triệu đồng/1 thể loại; 2 giải Nhì, mỗi giải 10 triệu đồng/1 thể loại; 3 giải Ba, mỗi giải 5 triệu đồng/1 thể loại và 5 giải Khuyến khích, mỗi giải 2 triệu đồng/1 thể loại.

Nguồn: Nguyễn Dương – Báo Dân Trí

Web: https://dantri.com.vn/