Lâm Đồng: Mô hình phụ nữ tham gia vào công tác bảo vệ rừng

29/08/2015

Là những người vợ, người mẹ trong gia đình, các chị đã phát huy hiệu quả vai trò người vợ để vận động chồng, phát huy vai trò người mẹ để khuyên, ngăn con cái…không tham gia các hoạt động xâm hại rừng.

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai do thời tiết như các cơn bão nhiệt đới, hạn hán, lũ lụt. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước. Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô gây hạn hán, và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm dẫn đến cạn kiệt do khai thác quá mức và thiếu nguồn bổ sung.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu. Do nhiệt độ tăng cao, vùng trồng cây nhiệt đới có xu hướng di chuyển về phía Bắc. Vùng trồng cây ôn đới có xu hướng giảm về diện tích. Hạn hán và lũ lụt góp phần ảnh hưởng đến diện tích canh tác.

Ngành lâm nghiệp bị ảnh hưởng, đa dạng sinh học giảm do các loài kém chịu hạn hán, ngập lụt có xu hướng bị tuyệt chủng, các loài có khả năng chống chịu hạn hán, lũ lụt sẽ phát triển. Bên cạnh đó, cháy rừng và sâu bệnh sẽ ảnh hưởng đến ngành lâm nghiệp.

Trước thực trạng đó, được sự tài trợ của tổ chức Norad thông qua Trung tâm vì con người và rừng (Recoftc) hỗ trợ trong đào tạo nâng cao nhận thức cho các bên liên quan cấp cơ sở nhằm giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng. Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, giúp cho người dân cộng đồng thôn thuộc xã Gung Ré, huyện Di Linh hiểu hơn về tác hại của Biến đổi khí hậu, rừng và REDD+; vai trò, ý nghĩa của rừng đối với cuộc sống của người dân và cộng đồng dân cư sống gần rừng và sống phụ thuộc vào rừng, hiểu được tầm quan trọng của cộng đồng trong bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững.

Gung Ré với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 7.479,23 ha trong đó rừng sản xuất 7.201,56 ha và rừng trồng là 1943,85 ha. Tuy được bảo vệ, chăm sóc nhưng rừng nơi đây vẫn bị xâm hại, chặt phá làm nương rẫy, khai thác trái phép diễn ra thường xuyên.

Trước sự hoành hành của lâm tặc, những chiếc xe chở gỗ từ cửa rừng chạy ra ầm ầm khi màn đêm buông xuống, tệ hơn những chiếc xe đó đã cướp đi mạng sống của người thân, bà con lối xóm trong làng (từ 2010 đến nay đã có 2 người chết, 8 người bị thương do xe chở gỗ của lâm tặc gây ra), nhiều cuộc chống đối cán bộ, đánh trả lại người thi hành nhiệm vụ bảo vệ rừng diễn ra thường xuyên…đã thúc giục chị em phụ nữ xã Gung Ré trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để không còn trường hợp xâm hại rừng nữa. Và đến tháng 3 năm 2013, những suy nghĩ trăn trở đó đã biến thành hành động khi Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã quyết định xây dựng mô hình “Phụ nữ chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng” (Quyết định số 09-QĐ/PN ngày 08/8/2013 của BCH Hội LHPN xã Gung Ré), mô hình được thành lập với 37 hội viên tham gia thuộc chi hội phụ nữ thôn Hàng Hải, xã Gung Ré, huyện Di Linh. Sau khi thành lập, các chị đã chủ động xây dựng quy chế hoạt động được toàn thể các hội viên góp ý, thống nhất. Mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không vì lợi ích cá nhân của một ai, tham gia vì lợi ích chung của cộng đồng.

Theo bà Trần Thị Lệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gung Ré chia sẻ: “Ý tưởng bảo vệ rừng và cần có hành động thiết thực trong bảo vệ rừng được hình thành và mô hình “Phụ nữ chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng” được ra đời và phát triển. Là những người vợ, người mẹ trong gia đình, các chị phát huy vai trò người vợ để vận động chồng, phát huy vai trò người mẹ để khuyên ngăn con cái…không tham gia các hoạt động phá hại rừng”.

Đến nay, trải qua 3 năm thực hiện, mô hình Hội Phụ nữ tham gia bảo vệ rừng của thôn Hàng Hải đã lên 41 thành viên, hoạt động theo kế hoạch được xây dựng hàng tháng, hàng quý mục đích lồng ghép để tuyên truyền bảo vệ rừng trong các cuộc họp thôn, sinh hoat tổ định kỳ, đột xuất. Một lợi thế của các chị do ở gần rừng, thành viên ở gần đường nên khi có người chở gỗ, khai thác rừng trái phép được phát hiện kịp thời báo cho Ban lâm nghiệp xã, công an xã, kiểm lâm địa bàn để có biện pháp ngăn chặn…tùy vụ việc báo kiểm lâm trước hoặc báo công an biết trước để triển khai hành động ngăn chặn kịp thời.

Theo đội tuyên truyền phụ nữ thôn Hàng Hải thì trong thôn có khoảng 8 hộ chuyên chở gỗ thuê, chở than thuê, phá rừng làm rẫy thuê…, 8 hộ này không phải là thành viên trong mô hình và không phải hội viên của Hội Phụ nữ, không tham gia bất kỳ tổ chức đoàn thể nào tại thôn. Ngoài ra, còn có những hộ từ nơi khác đến xâm hại rừng trên địa bàn thuộc thôn Hàng Hải. Xác định được những trường hợp, những đối tượng cần được vận động đầu tiên trong thôn. Do đó, các chị đã thành lập tổ đến từng gia đình vận động gồm thành viên Hội Phụ nữ xã, thôn, những thành viên đại diện gia đình sống gần nhà của 8 hộ nói trên cùng tham gia vận động các hộ từ bỏ làm thuê phá rừng, tìm kiếm việc làm khác phù hợp hơn; vận động tham gia vào hoạt động của các tổ chức đoàn thể cấp thôn…Sau khi kiên trì vận động, hơn một năm các chị đã vận động được 4 hộ từ bỏ hẳn việc tham gia chặt phá rừng thuê, đốt rừng lấy than, chở gỗ thuê và chuyển sang nghề khác mưu sinh. Tuy nhiên, vì mặc cảm hay vì một lý do nào đó họ không tham gia sinh hoạt trong bất kỳ tổ chức đoàn thể nào tại thôn. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn không còn tình trạng công khai chống người thi hành công vụ, mà mỗi khi lực lượng chức năng xuống kiểm tra các đối tượng thường lẩn trốn; trong thôn hoàn toàn không còn hộ nào tham gia phá rừng hoặc có hành vi xâm hại rừng nữa. Nhưng không vì thế mà các chị lơ là công tác truyên truyền, các chị vẫn thường xuyên xây dựng kế hoạch vào từng gia đình trong thôn tuyên truyền, vận động ký cam kết không xâm hại rừng, không phá rừng làm nương rẫy, không đốt cây rừng lấy than…đã được đông đảo bà con hưởng ứng nhiệt tình và sau từng đợt tuyên truyền các chị luôn duy trì họp đánh giá, rút kinh nghiệm thông qua các buổi sinh hoạt và xây dựng kế hoạch cho đợt tuyên truyền tiếp theo.

Chị Sợi tâm sự: Tuy được tham gia các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, vai trò của rừng và Redd+ do Trung tâm vì con người và rừng (Recoftc) thông qua Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức, một số chị em phụ nữ trong đội tuyên truyền đã tiếp thu được kiến thức, phương pháp và kỹ năng phục vụ tốt hơn trong công tác tuyên truyền, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của chị em nói riêng và cộng đồng thôn nói chung.

Việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia bảo vệ rừng, không xâm hại rừng…là công việc hết sức vất vả, nhất là trong khi không có nguồn kinh phí hoạt động. Nhưng với sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn với mong muốn cảm hóa cũng như hướng mọi người đến với nét văn hóa và truyền thống của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển rừng, từng bước xây dựng cộng đồng địa phương là tấm lá chắn thép, là tai mắt, là lực lượng nòng cốt chính trong tất cả các hoạt động nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác trái phép tài nguyên rừng...

Qua đây, các chị cũng rất mong muốn nhận được sự giúp đỡ hơn nữa về tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền và được tham gia nhiều lớp tập huấn về hơn để có được những kiến thức và kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp, được đào tạo trở thành một tuyên truyền viên thực thụ để tuyên truyền cho mọi người tốt hơn và thu hút được sự tham gia nhiều hơn nữa của các hội viên vào mô hình

Nguồn, Ảnh: Bồng Sơn – Văn Phương (TTKN Lâm Đồng) - Báo Khuyến Nông Lâm đồng

http://khuyennonglamdong.gov.vn/