Tổng kết công tác Lâm nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên

01/12/2023

Ngày 01/12/2023, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Chi cục Kiểm lâm vùng IV tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Lâm nghiệp và Quy chế phối hợp năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Về dự Hội nghị có 120 đại biểu, đại diện các đơn vị: Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng IV; Chi cục Kiểm lâm vùng I, II và III; Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và 11 Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đồng chí Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV phát biểu khai mạc Hội nghị

Qua nghiên cứu báo cáo Tổng kết và ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội nghị, có thể khẳng định năm 2023, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; Song các đơn vị Kiểm lâm trong toàn vùng đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tích cực, chủ động tham mưu cho cơ quan cấp trên và chính quyền địa phương triển khai thực hiện công tác lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đạt mục tiêu đề ra, một số kết quả cụ thể như: Công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về lâm nghiệp đã có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, kế hoạch đề ra; Thực hiện tốt vai trò tham mưu trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế, chính sách giúp cho việc triển khai thực hiện công tác lâm nghiệp tại các địa phương hiệu quả hơn; Tỷ lệ che phủ rừng của toàn vùng cơ bản được giữ vững (hiện nay là 48,71%, cao hơn mức bình quân trung của cả nước là 6,69%); Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cơ bản đã được kiểm soát, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm 24,97% so với cùng kỳ năm 2022; Việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác và thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên được các địa phương kiểm soát chặt chẽ, đúng tinh thần nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ; Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023 cơ bản đạt yêu cầu (trồng rừng tập trung 39.921,85 ha; Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh  7.380,04 ha; Cây lâm nghiệp trồng phân tán 7.890.307,31 nghìn cây; Sản lượng gỗ khai thác 3.811.626,157 m3 gỗ các loại và tiền thu DVMTR 1.015.512.697 nghìn đồng); Nguồn thu từ Dịch vụ môi trường rừng là nguồn lực tài chính quan trọng, bền vững, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng, giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng; Công tác phối hợp giữa các lực lượng (TW, địa phương) trong quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp tiếp tục được củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý rừng; Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực; Nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng bền vững có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp trong toàn vùng.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đồng chí Tô Xuân Đam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV thông qua báo cáo tóm tắt các nội dung chính kết quả thực hiện công tác lâm nghiệp và quy chế phối hợp

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra các vấn đề còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Cơ sở dữ liệu 3 loại rừng hiện chưa được điều chỉnh theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Chính phủ, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạch định các chính sách phát triển ngành; Tỷ lệ che phủ rừng của toàn vùng cơ bản được giữ vững, nhưng chất lượng rừng bị suy giảm khá mạnh (kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng các loại); Vẫn còn nhiều điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái pháp luật chưa được xử lý triệt để dẫn đến nguy cơ mất rừng còn cao, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên. Số vụ vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại còn cao, chiếm tỷ trọng lớn so với phạm vi cả nước, chiếm khoảng trên 50%; Việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật tại một số địa phương còn chậm, chưa có tính đột phá, còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao; Lực lượng Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tiếp tục nghỉ việc, thôi việc dẫn đến thiếu hụt nhân lực (thiếu biên chế) đang khiến cho nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ngày càng trở nên khó khăn hơn; Nhiều chủ rừng còn hạn chế về nguồn lực, chưa thực hiện hết trách nhiệm, còn buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng; Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng, địa phương chưa được thường xuyên; Nguồn vốn đầu tư hàng năm cho phát triển lâm nghiệp còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đồng chí Bùi Chính Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Kiểm lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đông chí Bùi Chính Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Kiểm lâm ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đã đạt được, đồng thời biểu dương lực lượng Kiểm lâm toàn vùng đã có nhiều cố gắng, khắc phục các khó khăn, hạn chế, tích cực và chủ động tham mưu cho cơ quan chuyên môn cấp trên và chính quyền địa phương các cấp chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp năm 2023. Đồng thời, đề nghị các đơn vị Kiểm lâm trong toàn vùng phát huy các thành tích đã đạt được, đoàn kết, tích cực, chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2024. Bên cạnh đó, đồng chí ghi nhận, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị Kiểm lâm, chủ rừng trong toàn vùng để chỉ đạo các phòng chuyên môn của Cục Kiểm lâm tiếp tục tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ hoặc ban hành các văn bản theo thẩm quyền từng bước giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện giúp cho lực lượng Kiểm lâm và cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương trong toàn vùng thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp năm 2024 và các năm tiếp theo.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Toàn cảnh Hội nghị

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị đã đề ra 6 nhiệm vụ và 15 giải pháp trọng tâm nhằm phấn đấu và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp năm 2024, trong đó có 5 nhiệm vụ trọng tâm là:

Một là, Tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ 100% diện tích rừng hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên; Đảm bảo cơ cấu 3 loại rừng hợp lý; Nâng cao năng suất, chất lượng rừng; Duy trì độ che phủ rừng ổn định từ 42% đến 43% theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Đại hội Đảng khóa XIII (toàn vùng phấn đấu đạt 48,75%).

Hai là, Tăng cường năng lực thực thi pháp luật về lâm nghiệp, phấn đấu số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại giảm từ 10% đến 20% so với kỳ kế hoạch năm 2023.

Ba là, Xây dựng, tổ chức, thực hiện Kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2024 (Quyết định 809/QĐ-TTg) hiệu quả, đúng quy định.

Bốn là, Tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các chính sách, pháp luật hiện hành, đặc biệt là Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư  về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030; Tập trung nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản gắn với chính sách giảm nghèo góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng.

Năm là, Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế phối hợp đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn hiện nay; Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng (TW và địa phương) trong quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng./.

Ths. Nguyễn Đình Thắng

                               Trưởng phòng QLBVR - Chi cục Kiểm lâm vùng IV