Kết quả thực hiện công tác lâm nghiệp năm 2021, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2022 các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ

30/12/2021

Ngày 30 tháng 12 năm 2021, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Chi cục Kiểm lâm vùng IV tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2021, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2022 các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Về dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng IV và 150 đại biểu đại diện các Chi cục Kiểm lâm, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, Ban quản lý rừng phòng hộ, các Công ty lâm nghiệp và đại diện một số huyện trọng điểm thuộc 11 tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên (tại Văn phòng Chi cục kiểm lâm vùng IV và 66 điểm cầu trực tuyến trong toàn vùng).

Đồng chí Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV

phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị thực hiện 02 nhiệm vụ trọng tâm: i) Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác lâm nghiệp năm 2021; ii) Xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện công tác lâm nghiệp năm 2022 trong phạm vi toàn vùng.

Theo báo cáo, đánh giá và nhận định chung của Hội nghị. Năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của dịch bệnh Covid 19, song các đơn vị Kiểm lâm trong toàn vùng đã quyết liệt, chủ động tham mưu cho cơ quan cấp trên và chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện công tác lâm nghiệp và quy chế phối hợp đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cơ bản đã được kiểm soát, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2020 (tổng 4.196 vụ, giảm 558 vụ “giảm 11,74%”); Diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 66.848,81 ha, tăng 24.514,07 ha (tăng 57,91%); Sản lượng gỗ khai thác đạt 5.028.897,22 m3 gỗ các loại, tăng 926.341,1 m3 (tăng 22,6%); Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 375.762.998,57 USD; Tổng số tiền thu DVMTR là 1.029.785.894 nghìn đồng, tăng 333.170.700 nghìn đồng (tăng 47,83%); … Độ che phủ rừng toàn vùng bình quân đạt 48,73%.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra các vấn đề tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới nhằm thực hiện có hiệu quả công tác lâm nghiệp và quy chế phối hợp, như: Việc kiện toàn, sắp sếp tại tổ chức, bộ máy và biên chế của lực lượng Kiểm lâm trong toàn vùng còn chưa đồng bộ, chưa có sự thống nhất chung; Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tuy có giảm, nhưng còn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra nhiều vụ vi phạm có tính chất nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật và cháy rừng; Ngân sách đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng còn rất thấp, chưa đáp ứng so với yêu cầu hiện nay; Một bộ phần lớn các chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ rừng trên lâm phần được giao; Lực lượng Kiểm lâm ở một số địa phương chưa tham mưu kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền và chính quyền các cấp, nhất là ở các địa bàn thuộc các vùng trọng điểm trong việc đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, quá trình thực hiện nhiệm vụ còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp còn hạn chế; ...

Đồng thời, Hội nghị cũng đề ra 5 nhiệm vụ và 14 giải pháp nhằm phấn đấu và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp năm 2022, trong đó có 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là:

Thứ nhất, Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của đảng và nhà nước, các quy định của ngành nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong lực lượng Kiểm lâm toàn vùng để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo đúng chức năng và thẩm quyền được giao.

Thứ hai, Hoàn thiện việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức, bộ máy, biên chế, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm gắn với vị trí việc làm nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao; Tiếp tục hoàn thiện việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp theo phương án tổng thể của các tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công ty lâm nghiệp thực hiệu có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiện hiện nay.

Thứ ba, Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ 100% diện tích rừng hiện có; Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang các mục đích sử dụng khác; Tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR, ngăn chặn và xử lý kịp thời có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phấn đấu giảm 10% số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và giảm tối đa diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2021 (kế hoạch là giảm 20%). Duy trì độ che phủ rừng ổn định từ 42% đến 43% theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Đại hội Đảng khóa XIII.

Thứ tư, Thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng; Tập trung nghiên cứu, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới để sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng.

Thứ năm, Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng (TW và địa phương) trong quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đã đạt được, đồng thời biểu dương lực lượng Kiểm lâm toàn vùng đã có nhiều cố gắng, khắc phục các khó khăn, hạn chế; Tích cực và chủ động tham mưu cho cơ quan chuyên môn cấp trên và chính quyền địa phương các cấp chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp năm 2021. Đồng thời, đề nghị các đơn vị Kiểm lâm trong toàn vùng phát huy các thành tích đã đạt được; Tích cực, chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2022. Bên cạnh đó, đồng chí ghi nhận, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị Kiểm lâm, chủ rừng trong toàn vùng để chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ tham mưu cho Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương từng bước giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện giúp cho lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương trong toàn vùng thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp năm 2022 và các năm tiếp theo./.

Nguồn: Ths. Nguyễn Đình Thắng

Trưởng phòng Nghiệp vụ II - Chi cục Kiểm lâm vùng IV