Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023

28/11/2022

Ngày 24/11/2020, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chi cục Kiểm lâm vùng IV tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Về dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Lãnh đạo đại diện các phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng IV và 100 đại biểu đại diện các Chi cục Kiểm lâm, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, Ban quản lý rừng phòng hộ, các Công ty lâm nghiệp và đại diện một số huyện trọng điểm thuộc 11 tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

 Đồng chí Tô Xuân Đam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Tuấn Sơn

Hội nghị này, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm: Đánh giá kết quả thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Theo báo cáo, đánh giá và nhận định chung của Hội nghị. Giai đoạn 2021 - 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các đơn vị Kiểm lâm trong toàn vùng đã quyết liệt, chủ động tham mưu cho cơ quan cấp trên và chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng, đạt được nhiều kết quả tích cực: (1) Việc tham mưu tổ chức thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng, phê duyệt và công bố kết quả hiện trạng rừng về cơ bản đạt yêu cầu, phục vụ có hiệu quả cho việc hoạch định các chính sách phát triển về lâm nghiệp ở địa phương, quốc gia. (2) Công tác phối hợp trong việc tổ chức, thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng tiếp tục được củng cố, tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng. (3) Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ GIS, ảnh viễn thám và thiết bị bay không người lái trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng (dự báo, phát hiện sớm các điểm biến động rừng) tiếp tục được cải thiện, nâng cao, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra các vấn đề tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới nhằm thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi diễn biến rừng, như:

(1) Về tổ chức cán bộ: Theo quy định hiện hành thì việc điều động, luân chuyển công chức Kiểm lâm được các đơn vị thực hiện 3 năm 1 lần. Tuy nhiên, việc luân chuyển các cán bộ kỹ thuật (công chức Kiểm lâm cấp Hạt phụ trách công tác DBR) sang các vị trí công tác khác hoặc ngược lại khi luân chuyển các công chức Kiểm lâm đang công tác ở vị trí khác về đảm nhiệm ở vị trí này (phụ trách công tác DBR), các công chức Kiểm lâm này chưa được đào đạo về công nghệ GIS, đặc biệt là phần mềm FRMS dẫn đến hiệu quả của công tác theo dõi diễn biến rừng bị hạn chế.

(2) Cơ sở vật chất, công nghệ tuy đã được trang bị, nhưng hầu hết đã cũ, chất lượng thấp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác theo dõi diễn biến rừng hiện nay.

(3)  Năng lực và trình độ chuyên môn của các cán bộ kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm địa bàn, do vậy việc tiếp cận để hiểu rõ nội dung quy trình kỹ thuật và sử dụng các thiết bị, công cụ hỗ trợ trong quá trình thu thập thông tin, xác minh, lập hồ sơ DBR bị hạn chế.

(4) Về cơ sở dữ liệu rừng và đất lâm nghiệp: Hiện toàn vùng vẫn còn nhiều diện tích rừng tự nhiên ở ngoài quy hoạch 3 loại rừng, chưa được xem đưa vào cơ cấu 3 loại rừng theo quy định của Luật lâm nghiệp; Cơ sở dữ liệu quy hoạch 3 loại rừng hiện tại của các địa phương chưa được điều chỉnh theo chỉ tiêu phân bố quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 (Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022); Ranh giới hành chính tỉnh, huyện, xã có sự chồng lấn, thay đổi nhưng chưa điều chỉnh kịp thời dẫn đến ranh giới của các chủ quản lý rừng cũng có sự thay đổi điều này gây ảnh ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và hoạch định các chính sách phát triển ngành.

(5) Về công tác theo dõi diễn biến rừng: Ranh giới hành chính tỉnh, huyện, xã thay đổi (chồng lấn, chia tách, sáp nhập) chưa được chuẩn hóa, tích hợp vào hệ thống FRMS theo đúng quy định; Tiêu chí phân loại rừng, đất đai còn chồng chéo, bất cập; Hồ sơ diễn biến rừng (hồ sơ gốc) còn thiếu, chưa đầy đủ, đặc biệt là đối với các hồ sơ biến động giảm rừng tự nhiên theo nguyên nhân khác, trồng rừng, rừng trồng đủ tiêu chí thành rừng (thiếu biên bản nghiệm thu, bản đồ hoàn công), ...; Một số đơn vị chủ rừng nhóm II chưa thực hiện nghiêm túc việc báo cáo biến động rừng theo quy định; Phần mềm FRMS 4.0 (phiên bản nâng cấp) còn bị lỗi, chưa hoàn thiện, các địa phương chưa được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật điều này gây ảnh hưởng đến công tác theo dõi diễn biến rừng.

(6) Nguồn ngân sách cấp cho các hoạt động theo dõi diễn biến rừng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Cán bộ Kỹ thuật phụ trách theo dõi diễn biến rừng Chi cục Kiểm lâm vùng IV trình bày kết quả đánh giá công tác theo dõi diễn biến rừng khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam trung bộ. Ảnh: Tuấn Sơn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đã đạt được, đồng thời biểu dương lực lượng Kiểm lâm toàn vùng đã có nhiều cố gắng, khắc phục các khó khăn, hạn chế; tích cực và chủ động tham mưu cho cơ quan chuyên môn cấp trên và chính quyền địa phương các cấp chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp. Đồng thời, đề nghị các đơn vị Kiểm lâm trong toàn vùng phát huy các thành tích đã đạt được; tích cực, chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có Kế hoạch năm 2022. Bên cạnh đó, đồng chí ghi nhận, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị Kiểm lâm, chủ rừng trong toàn vùng để chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ tham mưu cho Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương từng bước giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện giúp cho lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương trong toàn vùng thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp năm 2022 và các năm tiếp theo./.

Toàn cảnh hội nghị đánh giá công tác theo dõi diễn biến rừng. Ảnh - Đức Minh

Nguồn: Lương Thế Phương  - Chi cục Kiểm lâm vùng IV