ĐăkLăk: Trồng rừng vẫn chưa hết khó

Đến cuối tháng 10-2015, toàn tỉnh mới trồng mới
1.439ha/1.710 ha rừng, đạt 84% kế hoạch. Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là kết thúc
mùa vụ trồng rừng năm 2015, nhưng công tác trồng rừng hiện nay vẫn còn gặp
nhiều khó khăn.

Kiểm
tra diện tích rừng trồng của người dân liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp
Phước An.

Theo Chi cục Phát triển lâm nghiệp, trong giai đoạn 2009 –
2014, do có nguồn vốn của Dự án FLITCH hỗ trợ 400-500USD/ha/chu kỳ (rừng sản
xuất) và 1.000USD/ha/chu kỳ (rừng phòng hộ), nên hằng năm các tổ chức, đơn vị,
doanh nghiệp thực hiện trồng rừng đạt từ 3.500-4.000ha/năm. Năm 2015, dự án
FLITCH kết thúc, nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng do đó cũng gặp nhiều khó khăn nên
các đơn vị, chủ rừng trong tỉnh chỉ đăng ký trồng mới 1.710 ha; đến cuối tháng
10-2015 toàn tỉnh đã trồng được 1.439 ha. Trong đó, có 6/11 đơn vị đã
hoàn thành kế hoạch trồng rừng của năm gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Công
ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk, UBND huyện Krông Na, Công ty TNHH Đức Hải, Công ty
TNHH Tân Tiến Ea H’leo. Trong số 5 đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch trồng rừng
năm nay, ngoài 3 đơn vị do thời vụ trồng rừng chưa kết thúc như M’Đrắk, Ea Kar,
Krông Bông vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện thì có 2 đơn vị khó có thể
hoàn thành kế hoạch là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả và Phước An. Cụ thể,
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả mới chỉ trồng được 8/140 ha, nguyên nhân do
diện tích đất trồng rừng đang trong tình trạng bị người dân lấn chiếm, chưa thu
hồi được; Công ty Phước An, cũng đang lâm vào tình trạng tương tự, trong số 320
ha đăng ký, đơn vị trồng được 220 ha, còn 73 ha đang tranh chấp với người dân.
Theo như chia sẻ của các công ty lâm nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh
những năm gần đây gặp khá nhiều khó khăn, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, thiếu
vốn, chỉ tiêu trồng rừng vì vậy cũng giảm qua các năm. Bên cạnh đó là tình
trạng tranh chấp đất với người dân ở một số đơn vị vẫn chưa được giải quyết
triệt để; các đơn vị này đều thiếu nguồn lực tài chính, không tiếp cận được với
vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, thời tiết năm 2015 cũng
có nhiều bất thường, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng của El Nino
cũng gây nhiều bất lợi cho công tác trồng rừng.

Chọn giống cây lâm nghiệp tại vườn ươm của Công
ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An

Còn đối với trồng rừng thay thế, toàn tỉnh hiện có 57 dự án
chuyển đổi rừng sang mục đích khác và phải trồng rừng thay thế với diện tích
2.253,4 ha, trong đó, diện tích rừng chuyển đổi để xây dựng các công trình thủy
điện 263,5 ha, chuyển đổi xây dựng các công trình mang tính chất kinh doanh
286,8 ha và các công trình công cộng 1.703 ha. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ và Bộ NN-PTNT về rà soát các dự án đã triển khai chuyển đổi rừng sang
mục đích khác cần phải trồng rừng thay thế, giai đoạn 2006 – 2013, các ngành
chức năng của tỉnh đã tiến hành rà soát, thống kê lại tất cả những diện tích
rừng này và làm việc với các đơn vị là đối tượng phải trồng rừng thay thế để
hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục triển khai việc trồng rừng. Đồng thời UBND tỉnh
cũng ban hành quyết định về giá trồng rừng thay thế để những đơn vị, tổ chức
trồng rừng thay thế có thể nộp tiền (bù trồng rừng) vào Quỹ bảo vệ và phát triển
rừng của tỉnh; theo đó, cơ quan chức năng sẽ phân bổ nguồn tiền này cho các chủ
rừng đủ điều kiện để trồng rừng thay thế. Trong năm 2015, đã phân bổ kinh phí
cho 2 đơn vị: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và Ea Wy để trồng bù 125
ha rừng. Như vậy, đến nay các dự án thủy điện phải trồng rừng thay thế đã cơ
bản trồng bù đủ diện tích, chỉ còn Dự án Thủy điện Ea Đrăng của Công ty Cổ phần
Thủy điện Đắk Lắk với diện tích trên 38 ha sẽ chuyển qua năm 2016 vì DN gặp khó
khăn xin được gia hạn thời gian nộp tiền. Đối với các công trình kinh
doanh, diện tích rừng thay thế cũng đạt gần 50 %, Chi cục Lâm nghiệp hiện đang
đôn đốc để các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện. Riêng 1.710 ha rừng
được chuyển đổi mục đích để thực hiện các công trình an ninh quốc phòng, thủy
lợi, đường giao thông, tái định cư… hiện nay chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng
thay thế do chưa có kinh phí. Công văn số 5211/VPCP-KTN ngày 7-7-2015 của Văn
phòng Chính phủ nêu rõ, đối với dự án đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng
rừng trước ngày 1-7-2013 được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Bộ Kế hoạch –
Đầu tư phối hợp với Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan cân đối nguồn vốn theo
quy định để bố trí cho các địa phương thực hiện trồng rừng thay thế từ năm 2016
đến 2018. Để bảo đảm tiến độ trồng rừng thay thế đối với 1.703 ha rừng chuyển
đổi mục đích để xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh, Sở NN –
PTNT đề nghị UBND tỉnh có văn bản trình bộ, ngành liên quan với tổng kinh phí
tạm tính trên 114 tỷ đồng.

Nguồn: Lê Hương – Báo Đaklak điện tử

Web: http://baodaklak.vn/

Trang web này sử dụng cookie để mang đến cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.