“Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của rừng. Từ xưa đến nay, rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người; Tài nguyên rừng cung cấp khí O2, hấp thụ và lưu giữ khí CO2; Điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, kiểm soát xói mòn; Giúp tăng độ phì nhiêu, bồi dưỡng tiềm năng của đất; Điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; Là nơi cư trú, sinh sống của hàng triệu sinh vật, trong đó có con người; Tạo ra nhiên liệu, cung cấp lâm sản, dược liệu, thực phẩm và nguồn gen, …Tạo ra cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn giúp cho phát triển du lịch, đảm bảo nhu cầu sinh kế của con người, nhất là đối với người dân sống gần rừng; Ngoài ra còn đảm bảo về an ninh, quốc phòng. Khu vực Tây Nguyên và Duyên hải nam trung bộ là vùng có diện tích rừng lớn, nơi đây có nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử. Rừng phân bố chủ yếu trên các đồi và núi đá có địa bàn hiểm trở gây khó khăn cho lực lượng và phương tiện không thể tiếp cận kịp thời khi xảy ra các vụ vi phạm về lâm nghiệp cũng như cháy rừng xảy ra.
Những năm gần đây tình hình vi phạm về lâm nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra, nhiều vụ phá rừng, khai thác hay cháy rừng đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng. Theo số liệu báo cáo 9 tháng đầu năm 2024 của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, toàn vùng xảy ra 2.083 các vụ vi phạm về lâm nghiệp, chủ yếu các hành vi ảnh hưởng đến rừng là khai thác rừng trái pháp luật 132 vụ, phá rừng 1.101 vụ, cháy rừng 74 vụ vi phạm. Hiện nay, rất khó kiểm soát các hoạt động khai thác, phá rừng, đốt ong, đốt nương rẫy làm gia tăng nguy cơ gây ra các vụ vi phạm về lâm nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến rừng từ đó gây nên những hậu quả nghiêm trọng như lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất, hạn hán, dịch bệnh.
Qua đó ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng là rất cần thiết, tuy nhiên bảo vệ rừng không chỉ mỗi trách nhiệm của lực lượng chuyên trách mà còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân. Chú trọng vào vấn đề đó, để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng thì việc chung tay góp sức của cả cộng đồng là rất cần thiết. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là hình thức nhanh nhất nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận đưa kiến thức đến gần với mọi người.
Thực hiện kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Chi cục Kiểm lâm vùng IV hằng năm đều phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng như: Tuyên truyền lưu động, tuyên truyền dân cư, tuyên truyền trường học, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; 9 tháng đầu năm 2024 Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Nông, Phú Yên và Thành Phố Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền lưu động đã phát được gần 1000 tờ rơi, Poster đến người dân, đặc biệt là với dân cư sống gần rừng; Tổ chức các buổi tuyên truyền cho học sinh tại các trường đóng trên địa bàn có rừng về giá trị mà rừng đem lại. Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cộng đồng dân cư và học sinh bằng nhiều hình thức thông qua một số hình ảnh dưới đây:
Tuyên truyền lưu động tại Tp. Đà Nẵng
Nhận thức tuyên truyền bảo vệ rừng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất các hành vi gây thiệt hại đến rừng. Các cơ quan chức năng địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR đến cộng đồng khu dân cư, thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ rừng và PCCCR, đồng thời tiến hành sửa chữa lại các biển báo, biển cấm, bảng biển tuyên truyền về PCCCR đã hư hỏng qua quá trình sử dụng: Để bảo vệ hệ sinh thái rừng thì việc tuyên truyền những kiến thức về Luật đến người dân là rất cần thiết, đặc biệt là đối với các em học sinh cũng như người dân sống gần rừng; Chung tay góp sức bảo vệ rừng, đẩy mạnh ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi cá nhân theo quy định của pháp luật. Qua đó, để giúp phát huy tốt mục đích của tuyên truyền thì các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp và thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các chính sách, pháp luật hiện hành; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Một trong những giải pháp quan trọng là phải bảo vệ và phát triển rừng, tạo sinh kế cho người dân. Đây là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương và của cả cộng đồng.
Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nhận thức của cộng đồng dân cư đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng có hiệu quả hơn. “Góp gió thành bão, góp cây thành rừng” câu tục ngữ ẩn dụ để nói về thành quả của sự tích lũy nhắc đến như một lời nói chung tay góp sức bảo vệ rừng là trách nhiệm chung của cả cộng đồng nhằm xây dựng một màu xanh cho dân tộc, cho đất nước.
Tác giả: Vy Thị Ngọc Anh – Phòng QLBVR, Chi cục Kiểm lâm vùng IV