Thực hiện Văn bản số 252/KLV4-QLR ngày 23/10/2024 của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Đoàn công tác Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý sử dụng và phát triển rừng tại tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng từ ngày 28/10 đến ngày 04/11/2024.
Đoàn công tác phối hợp với phòng sử dụng và PTR tỉnh Khánh Hòa kiểm tra thực tế hiện trường công trình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng thay thế năm 2023 của Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa
Tại buổi làm việc với 02 đơn vị, Đoàn công tác đã được 02 đơn vị cung cấp các nội dung, số liệu theo đề cương đoàn công tác cung cấp, đồng thời 02 đơn vị đã cơ bản chủ động tham mưu tốt, có trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; Đồng thời chủ động ban hành nhiều bản theo thẩm quyền để chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý sử dụng phát triển rừng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Cụ thể như Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2386/SNN-KL ngày 13/05/2024; Văn bản số 4861/SNN-KL ngày 09/9/2024 về việc triển khai Nghị định 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ về nội dụng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gải trí trong rừng; Văn bản số 3077/SNN-KL ngày 13/6/2024 về việc tổ chức triển khai Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong Lâm nghiệp; Văn bản số 1815/KL-QLBVR&BTTN ngày 01/8/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ đến các đơn vị trực thuộc.
Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra diện tích rừng trồng thay thế năm 2024 tại Ban Quản lý rừng PH Sêrêpốk, huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng
Về công tác phát triển rừng:
Tại tỉnh Khánh Hòa: Từ đầu năm đến nay, các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện trồng mới rừng sản xuất tập trung với diện tích 693,02 ha. Trồng rừng thay thế: Căn cứ theo các Quyết định của UBND tỉnh: số 535/QĐ-UBND ngày 28/02/2024 và số 1635/QĐ-UBND ngày 21/6/2024; trong năm 2024, các đơn vị chủ rừng nhà nước được giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế với tổng diện tích là 803,78 ha, tính đến thời điểm báo cáo diện tích các đơn vị đã triển khai thực hiện, đạt kết quả như sau: Diện tích đã thực hiện xong công tác trồng rừng là 58,88 ha; Diện tích đang tiến hành trồng rừng là 158,09 ha; Số công trình đã thực hiện tập kết cây giống tới hiện trường là 07 công trình/193,09 ha; Diện tích đang tiếp tục phát dọn thực bì và làm đất để trồng rừng là 294,20 ha; Diện tich đang làm rõ hồ sơ mời thầu là 69,36 ha; Diện tích đang làm các thủ tục đấu thầu qua mạng là 20,09 ha; Diện tích đã bàn giao nhưng chưa triển khai thực hiện trồng rừng là 0,71 ha; Diện tích đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu là 202,45 ha. Chăm sóc rừng trồng: Theo thống kê, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện chăm sóc rừng trồng với diện tích 341,76 ha. Diện tích rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được 114,89 ha. Trồng cây phân tán: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trồng được 12,172 nghìn cây.
Tại tỉnh Lâm Đồng: năm 2024, các đơn vị chủ rừng là tổ chức đã thực hiện trồng rừng trên các diện tích: đất trống, sau giải tỏa và sau khai thác rừng trồng, với tổng diện tích là 343,20 ha. Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, cây trồng lâm nghiệp phân tán, trồng rừng mới tập trung (đặc rừng, phòng hộ, sản xuất, trồng rừng thay thế), rừng trồng được chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh (khoanh nuôi mới và khoanh nuôi chuyển tiếp): Rừng trồng được chăm sóc: 1.118,57 ha; Chăm sóc rừng trồng năm thứ 2 (rừng trồng năm 2023): 261,51 ha; Chăm sóc rừng trồng năm thứ 3 (rừng trồng năm 2022): 360,89 ha; Chăm sóc rừng trồng năm thứ 4 (rừng trồng năm 2021): 496,17 ha. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng (khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên): Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh mới: 0 ha và Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh chuyển tiếp (khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên): 58,0 ha (do Ban Quản lý rừng phòng hộ D’ran là chủ đầu tư).
Đoàn công tác trao đổi các nội dung làm việc với phòng sử dụng và PTR tỉnh Khánh Hòa
Trên cơ sở nội dung và kết quả làm việc, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng triển khai một số nội dung sau:
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai nhằm giúp cho cá nhân, doanh nghiệp hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ khi tham gia trong quá trình sản xuất kinh doanh, quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng hiệu quả.
Thực hiện đúng quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; trồng rừng thay thế; thuê môi trường rừng; giao rừng; cho thuê rừng;... đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Hướng dẫn các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đúng quy định tại Nghị định số 91/2024/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan; tham mưu các ngành chức năng phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân và cộng đồng tổ chức quản lý, bảo vệ rừng; sản xuất kinh doanh, sử dụng và phát triển rừng đảm bảo hiệu quả.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Nguồn: Thế Phương - Chi cục Kiểm lâm vùng IV