Trao đổi kỹ thuật về Quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) và các chuỗi cung ứng không gây phá rừng, suy thoái rừng tại Việt Nam

16/07/2024

Ngày 12 tháng 7 năm 2024, tại Hội trường khách sạn Hai Bà Trưng - Số 08 Hai Bà Trưng, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk và 02 điểm cầu trực tuyến là: Trụ sở Liên minh Châu Âu tại Brussels, Bỉ (Tổ chức JRC) và tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam (Sở Nông nghiệp và PTNT). Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội thảo “Trao đổi kỹ thuật về EUDR và các chuỗi cung ứng không gây phá rừng, suy thoái rừng tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc các Bộ, ngành Trung ương; Bộ Nông nghiệp và PTNT; Đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên; Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su; Các tổ chức phi chính phủ trong nước và các cơ quan nghiên cứu; Tổ chức GIZ, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán một số nước EU tại Việt Nam và các tổ chức, các đối tác phát triển và chương trình quốc tế khác tại Việt Nam.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT khai mạc Hội thảo

Hội thảo này, tập trung trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề pháp lý, kỹ thuật khi thực hiện các Quy định EUDR tại Việt Nam (09 chuyên đề chính), đồng thời phát hiện, bổ sung các vấn đề mới phát sinh cần làm rõ, cũng như đưa ra các khuyến nghị để thực hiện có hiệu quả Quy định EUDR tại Việt Nam.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT trình bày báo cáo tham luật tại Hội thảo

Cụ thể tại Hội thảo, các báo cáo tham luận đã phân tích, đánh giá, cập nhật và chia sẻ về tình hình thực hiện các Quy định EUDR tại Việt Nam, như: (1) Cập nhật về quá trình chuẩn bị và thực hiện EUDR, gồm: Xây dựng khung hợp tác công tư trong thực hiện EUDR; Tuyền truyền, vận động; Các giải pháp kỹ thuật; Xây dựng và vận hành cơ chế đối thoại và đàm phán với EU về EUDR và các quy định khác; Huy động các nguồn lực để thực hiện EUDR. (2) Kế hoạch thích ứng với quy định về quản lý việc xuất nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng của EUDR trong lĩnh vực Lâm nghiệp: Tập trung giới thiệu các Quy định của EUDR và các hoạt động triển khai của Chính phủ Việt Nam, đồng thời quy định rõ lộ trình thực hiện của Việt Nam, đảm bảo tính hợp pháp của chuỗi sản phảm (từ khâu nguyên liệu, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu) không gây mất rừng và suy thoái rừng (thời điểm 31/12/2020); Phân loại rủi ro và phương pháp kiểm tra; Đề xuất một số giải pháp của ngành lâm nghiệp để thực hiện có hiệu quả EUDR. (3) Chiến lược phát triển bền vững cà phê và EUDR, nhấn mạnh đến các bước thực hiện và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện EUDR. (4) Khả năng truy xuất nguồn gốc và sự sẵn sàng của ngành gỗ đối với EUDR: Quy định về truy xuất nguồn gốc lâm sản của Việt Nam và EUDR, đối tượng phải thực hiện; Hiện trạng ngành gỗ của Việt Nam và kế hoạch thực hiện EUDR; Một số thách thức khi thực hiện EUDR (định vị vị trí địa lý của lô/thửa đất, hộ sản xuất nhỏ, doanh nghiệp còn thụ động, chi phí xây dựng hệ thống truy xuất định tử phức tạp và tốn kém, thiếu hệ thống thông tin về bản đồ ranh giới rừng trước và sau thời điểm 31/12/2020 “xác định nguồn gốc không gây mất rừng, suy thoái rừng”, vấn đề giải trình và trách nhiệm, thiếu các hướng dẫn thực hiện chi tiết về EUDR); Đề nghị Chính phủ xem xét, có lộ trình phù hợp để thực hiện EUDR.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Tài liệu về EUDR tại Hội thảo

Quy định của Liên minh Châu Âu về chuỗi cung ứng không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR), gồm có 02 mục tiêu cụ thể là: (1) Giảm thiểu nguy cơ các sản phẩm/chuỗi cung ứng liên quan đến phá rừng, được đưa vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường EU và (2) Gia tăng nhu cầu và thương mại của EU đối với các sản phẩm và hàng hóa không gây ra phá rừng và được sản xuất hợp pháp. Ngoài ra EU còn Quy định rõ mốc thời gian lỗ trình thực hiện (ngày 30/12/2024 bắt đầu áp dụng đối với cá nhân, tổ chức; tháng 6/2025 áp dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên EU); Đồng thời đề xuất các nội dung thực hiện trong thời gian tới, gồm: Làm rõ các câu hỏi về sự vận hành thông qua tài liệu những câu hỏi thường gặp; Xây dựng tài liệu hướng dẫn về các vấn đề pháp lý kỹ thuật; Thiết lập hệ thống IT; Tăng cường các công cụ hỗ trợ dành cho các quốc gia sản xuất; Các nhóm hoạt động khác: Hệ thống quan sát mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh EU, đánh giá và xếp hạng nguy cơ rủi ro, v.v…

Bên cạnh đó, EU còn giới thiệu về Hệ thông thông tin giám sát mất rừng và suy thoái rừng của EU (EU Observatory): Hệ thống quan sát của LMCA sẽ tạo điều kiện giúp các chủ thể thuộc khu vực công, người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp cận thông tin liên quan đến chuỗi cung ứng, cung cấp dữ liệu và thông tin dễ hiểu về phá rừng, suy thoái rừng và diễn biến độ che phủ rừng trên toàn cầu có liên quan đến những hàng hóa và sản phẩm được cung ứng và thương mại tại LMCA; Do đó, hệ thống quan sát của LMCA sẽ hỗ trợ thực hiện Quy định này thông qua cung cấp bằng chứng khoa học về phá rừng và suy thoái rừng toàn cầu và thương mại liên quan. Quy định về các bước thực hiện chuỗi cung ứng không liên quan đến phá rừng, gồm: Đánh giá và xếp hạng (vị trí địa lý, theo từng quốc gia), trách nhiệm giải trình (không có rủi ro hoặc rủi ro phá rừng không đáng kể), kiểm tra tuân thủ (kiểm tra xác minh theo mẫu). Các hợp phần của Hệ thống quan sát của LMCA, gồm: Giám sát rừng toàn cầu, theo dõi sản xuất và thương mại hàng hóa, công cụ giám sát rừng.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Toàn cảnh Hội thảo

Cũng tại Hội thảo này, các đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ các câu hỏi thường gặp khi thực hiện Quy định của EU về sản phẩm không gây mất rừng (tập trung làm rõ 07 nhóm câu hỏi chính, gồm: Về truy xuất nguồn gốc, 27 câu; Về phạm vi áp dụng của Quy định EUDR, 07 câu; Về các đối tượng chịu trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan, 16 câu; Về trách nhiệm giải trình, 10 câu; Về đánh giá xếp hạng và quan hệ đối tác, 10 câu; Về hỗ trợ triển khai thực hiện Quy định EUDR, 09 câu; về các câu hỏi khác có liên quan, 06 câu),  đồng thời phát hiện bổ sung các câu hỏi, tình huống phát sinh mới (khoảng 40 câu hỏi phát sinh mới cần lầm rõ trong thời gian tới để bổ sung vào tài liệu hướng dẫn).

Đồng thời đưa ra các khuyến nghị như: (1) Cần tổ chức 01 Hội thảo kỹ thuật đối thoại trực tiếp giữa EU, Việt Nam và các bên có liên quan để làm rõ các Quy định của EUDR, các biện pháp kỹ thuật thực hiện EUDR và đặc biệt là chia sẻ, cung cấp hệ thống thông tin giám sát mất rừng và suy thoái rừng (chia sẻ dữ liệu số, bản đồ số, phương pháp và kỹ thuật thực hiện giữa EU và Việt Nam); (2) Tiếp tục hoàn thiện Quy định EUDR và các tài liệu hướng dẫn thực hiện EUDR và (3) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các bên có liên quan thực hiện nghiêm túc các Quy định EUDR hiệu quả, đúng quy định, đảm bảo thời gian và tiến độ.

Ths. Nguyễn Đình Thắng, Phòng QLBVR - Chi cục Kiểm lâm vùng IV