Sẽ
hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của
các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ;
xây dựng 01 Trung tâm triển lãm đồ gỗ quốc gia tầm cỡ quốc tế trong thời
gian tới. Đó là 02 nhiệm vụ trong nội dung phát triển hạ tầng, mở rộng
quy mô sản xuất của ngành gỗ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
trong Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả
giai đoạn 2021 - 2030.
Ngày 10/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã
phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu
quả giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định số 327/QĐ-TTg.
Theo đó, quan điểm của Đề án là phát
triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả, theo chuỗi giá
trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo
đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp trong chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm
gỗ; phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ công nghệ cao, thân thiện
với môi trường, sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị tăng cao;
nhà nước có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, huy
động mọi nguồn lực xã hội để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, ngành
công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây
dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị
trường trong nước và quốc tế; phấn đầu để Việt Nam nằm trong nhóm các
nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm
gỗ.
Cụ thể, vào năm phấn đấu giá trị xuất
khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ vào năm 2025 và 25 tỷ vào năm 2030. Giá trị
gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ vào
năm 2030. Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực
công nghệ sản xuất tiên tiến. 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu
dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có
chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp.
Về nhiệm vụ, Đề án trú trọng phát triển
hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, trong đó định hướng hình thành 5 khu
lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp
chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ; xây dựng 01 Trung
tâm triển lãm đồ gỗ quốc gia tầm cỡ quốc tế; phát triển mở rộng các
khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng, lợi
thế; đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics. Phát
triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu
cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. Phát triển thị trường xuất
khẩu và nội địa. Tháo gỡ các rào cản thương mại, kỹ thuật và phòng chống
gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu.
Các giải pháp được đưa ra gồm hoàn thiện
cơ chế chính sách, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân
lực và phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.
Đồng thời Đề án cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Đề án.
Nguồn: https://tongcuclamnghiep.gov.vn/LamNghiep/Index/thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-de-an-phat-trien-nganh-cong-nghiep-che-bien-go-ben-vung-hieu-qua-giai-doan-2021--2030-4514