Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ: 9 tháng đầu năm 2024 số vụ phá rừng trái pháp luật giảm 3,87% so với năm 2023.

30/09/2024

Theo số liệu thống kê, báo cáo của Chi cục Kiểm lâm vùng IV cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024 các tỉnh Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ (trừ Ninh Thuận và Bình Thuận) đã phát hiện, lập hồ sơ, xử lý 2.038 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó hành vi phá rừng trái pháp luật là 1.101 vụ (tương đương giảm 3,87%) với diện tích rừng thiệt hại là 329,158 ha (tương đương giảm 6,61%) so với cùng kỳ năm 2023).

Ảnh Nguyễn Đình Thắng - Hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk (ảnh minh họa)

Như vậy, có thể thấy tình trạng phá rừng trái pháp luật tại các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ từ cuối năm 2023 đến tháng 9/2024 vẫn còn diễn biến phức tạp (chiếm 43,13% tổng số vụ và diện tích thiệt hại chiếm 46,66% so với phạm vi cả nước). Tình trạng phá rừng trái pháp luật xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó “nóng” nhất vẫn là tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như: Đăk Lăk (682 vụ/192,995 ha), Đăk Nông (134 vụ/31,297 ha),  Lâm Đồng (58 vụ/7,750 ha), Gia Lai (29 vụ/22,427 ha), Kon Tum (11 vụ/6,577) và một số tỉnh Duyên hải Nam trung bộ như Quảng Nam (74 vụ/28,012 ha), Bình Định (26 vụ/15,547 ha), Phú Yên (59 vụ/11,341 ha), Khánh Hòa (08 vụ/8,442 ha) và Quảng Ngãi (17 vụ/3,180 ha).

Ảnh Nguyễn Đình Thắng - Hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên (ảnh minh họa)

Theo nhận định chung, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất rừng ở Tây Nguyên và Duyên hải Nam trung bộ là: Chính quyền và các cơ quan chức năng chưa thực hiện hết trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, quản lý; Nhiều chủ rừng chưa thực hiện đúng trách nhiệm, còn buông lỏng công tác công tác quản lý, bảo vệ rừng để rừng bị phá trái pháp luật mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Do áp lực về dân số, nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng cao (đất ở và đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng các loài cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và trồng rừng gỗ nguyên liệu).

Do đó, để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiệu quả tình trạng phá rừng trái pháp luật, trong thời gian tới (3 tháng cuối năm 2024) các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Luật Lâm nghiệpcác chính sách, pháp luật hiện hành, đặc biệt là Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08/3/2024 của của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ Về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và các Chương trình, Nghị quyết của địa phương.

Đồng thời, Tổ chức, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp (3 loại rừng) theo đúng Quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (Quy hoạch tỉnh, thành phố và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia) đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái pháp luật. Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng; Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ 3 sẵn sàng; Có phương án, kế hoạch sẵn sàng phối hợp các lực lượng để ứng phó, xử lý kịp thời đối với các tình huống cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Tăng cường công tác kiểm tra, truy quét, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt là tại các điểm nóng, khu vực biên giới trên đất liền, tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ xung yếu và các diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý, hạn chế tối đa không để phát sinh hình thành các điểm nóng, phức tạp./.

 Ths. Nguyễn Đình Thắng, Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm vùng IV