Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên

21/09/2016

Ngày 20/9/2016 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai diễn ra Hội nghị triển khai một số giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 do Cục Kiểm lâm tổ chức.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Nguyễn Quốc Trị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Cục trưởng Cục Kiểm lâm; ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; lãnh đạo Văn phòng Cục, phòng Tổ chức và Xây dựng lực lượng, Quản lý bảo vệ rừng, Điều tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp; Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp, Vụ kế hoạch tài chính và Thanh tra Tổng cục Lâm nghiệp; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai; Chi cục Kiểm lâm vùng IV; Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Lăk và Đăk Nông; các VQG và Khu BTTN trong khu vực.


Ảnh: Thế Phương

Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá và đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Theo số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2015 diện tích đất có rừng tại 5 tỉnh Tây Nguyên là 2.561.969 ha (rừng tự nhiên 2.246.068 ha, rừng trồng 315.901 ha), độ che phủ rừng đạt 46,08%. So với năm 2014, diện tích đất có rừng giảm 5.149 ha. Trong 8 tháng đầu năm 2016, đã phát hiện và xử lý 3.858 vụ vi phạm, giảm 839 vụ so với cùng kỳ năm 2015 (4.697 vụ), trong đó phá rừng trái pháp luật 636 vụ, giảm 82 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Số vụ đã xử lý 3.335 vụ, trong đó: hình sự 108 vụ, hành chính 3.227 vụ. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện đang bị lấn chiếm trái phép là 282.896 ha, chiếm 8,43% trong đó diện tích đất lâm nghiệp đã giao quyền sử dụng đất là 197.365 ha, chiếm 70% và diện tích chưa giao quyền sử dụng đất là 85.261 ha, chiếm 30%. Diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tập trung chủ yếu tại các ban quản lý rừng phòng hộ: 56.456 ha, chiếm 20%; các doanh nghiệp nhà nước: 51.750 ha, chiếm 18,3%; rừng do UBND cấp xã quản lý: 164.90 ha, chiếm 58,3%; chủ rừng khác chiếm 3,5% tổng diện tích có tranh chấp. Tình hình chống người thi hành công vụ tại các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng, tính đến hết tháng 8 năm 2016 trên địa bàn đã xảy ra 13 vụ, tăng 6 vụ so với năm 2015 (7 vụ) làm chết 1 người, 30 người bị thương. Về quản lý các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản, tính đến 31/8/2016 tại 5 tỉnh Tây Nguyên có 745 cơ sở doanh nghiệp và hộ kinh doanh chế biến gỗ, Trong đó, tỉnh có nhiều cơ sở chế biến kinh doanh nhiều nhất là Gia Lai với 125 doanh nghiệp, Đăk Lăk 76 doanh nghiệp, … mặt khác, trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên hiện có 597 dự án có chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp với diện tích 128.713 ha. … vv

Từ thực trạng trên cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại 5 tỉnh Tây Nguyên còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do: Nhận thức về vị trí, vai trò của ngành lâm nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của một số cấp ủy đảng, chính quyền và cộng đồng dân cư chưa đầy đủ. Ở một số nơi, sự phối hợp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, còn thiếu kiên quyết trong việc xử lý các hành vi vi phạm dẫn đến rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm trái pháp luật vẫn còn xảy ra, có nơi còn xảy ra nghiêm trọn, chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp còn chồng chéo, chưa đồng bộ gây khó khăn cho quá trình thực hiện; …

Chỉ đạo kết luận tại Hội nghị ông Nguyễn Quốc Trị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp, Cục trưởng Cục Kiểm lâm nhấn mạnh: Trong thời gian tới các địa phương trong khu vực cần phải nâng cao trách nhiệm của mình, tăng cường sự phối hợp tốt hơn giữa các cấp, ngành; Xử lý nghiêm các chủ rừng để xảy ra mất rừng; Kiên quyết rừng phải có chủ thực sự để quản lý tốt hơn; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy. Trong đó, lực lượng kiểm lâm tại các địa phương, ngoài thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng còn phải biết phát triển rừng, sử dụng rừng, khuyến nông, khuyến lâm, làm tốt công tác dân vận, tuyên vận, …

Nguồn: Ngọc Chung - Chi cục Kiểm lâm vùng IV