Căn cứ Quy chế phối hợp số 227/QCPH-CCKLV4-CCKLGL ngày 11/12/2020 giữa Chi cục Kiểm lâm vùng IV và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai trong quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025 và văn bản số 269/KLV4-KLCĐ ngày 06/11/2024 của Chi cục Kiểm lâm vùng IV về việc Phối hợp kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng khu vực biên giới và tình hình xuất nhập khẩu lâm sản năm 2024. Từ ngày 12 - 15/11/2024 Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng khu vực biên giới và tình hình xuất, nhập khẩu lâm sản năm 2024.
Gia Lai là một tỉnh miền núi phía bắc của vùng Tây Nguyên, miền Trung Việt Nam, phía đông giáp tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên, Phía nam giáp tỉnh Đắk Lắk, Phía bắc giáp tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, Phía tây giáp tỉnh Ratanakiri thuộc Campuchia, có đường biên giới chạy dài khoảng 90 km, gồm các huyện Đức Cơ, Chư Prông và huyện Ia Grai. Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai từ tháng 12/2023 đến tháng 11/2024, các ngành chức năng đã kiểm tra phát hiện, bắt giữ 37 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp xảy ra tại địa bàn các huyện biên giới trong đó huyện Chư Prông: 32 vụ, Đức Cơ: 01 vụ, Ia Grai 04 vụ, tổng tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2023, tang vật, phương tiện vi phạm gồm 56,982 m3 gỗ tròn, xẻ các loại, 72,9 ster củi loài thông thường; phương tiện vi phạm: 08 xe ô tô, 09 xe công nông, xe độ. Diện tích rừng bị phá là 13,638 ha, diện tích cây trồng chưa thành rừng bị cháy là 24,88 ha; Tổng số vụ đã xử lý 21 vụ/37 vụ trong đó hành chính: 16 vụ, phạt tiền 171.000.000 đồng, tịch thu 9,276 m3 gỗ tròn, xẻ, 62,7 ster củi loài thông thường), xử lý hình sự: 05 vụ, còn lại đang xác minh, xử lý: 16 vụ.
Ảnh Nguyễn Đức Minh – Hiện trường vụ việc khai thác rừng trái pháp luật tại tỉnh Gia Lai (ảnh minh họa)
Tình hình xuất, nhập khẩu lâm sản: Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 289 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, gia công mộc dân dụng, băm dăm, viên nén, ... Tuy nhiên hoạt động sản xuất chủ yếu là cưa xẻ gỗ nguyên liệu, băm dăm, sản xuất sản phẩm gỗ tiêu thụ trong nước, ít có đơn hàng xuất khẩu, giá trị không cao. Triển khai các biện pháp quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trong khu vực biên giới nhằm chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa; phối hợp ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật qua biên giới trên địa bàn tỉnh; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất khẩu, nhập khẩu lâm sản và mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã qua biên giới, ngày 16/12/2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai và Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum đã ký kết Quy chế phối hợp 01/QCPH-HQ-KL ngày 16/12/2022 giữa Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai và Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý xuất khẩu, nhập khẩu lâm sản và mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã. Trên cơ sở quy chế phối hợp đã ký kết, hai bên thường xuyên thông tin, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quản lý lâm sản và mẫu vật các loài động, vật thực vật hoang dã; phối hợp tuần tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu lâm sản và mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nhằm mục đích phát hiện ngăn chặn, bắt giữ, điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức vi phạm; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu lâm sản nói chung và các mẫu vật tự nhiên nói riêng giữa 2 tỉnh có chung biên giới, 2 nước Việt Nam – Campuchia ngày càng phát triển. Trong cuối năm 2023 và đầu năm 2024 xuất khẩu sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước với số lượng 769,7 tấn, kim ngạch 591,4 ngàn đô la Mỹ; nhập khẩu quả ươi khô, số lượng 36,87 tấn, kim ngạch 155,08 ngàn đô la Mỹ; tại huyện Đức Cơ số lượng củi điều nhập khẩu dùng làm nguyên liệu sản xuất viên nén là 4.795 tấn (tính từ đầu năm 2024 đến tháng 10/2024).
Ảnh Nguyễn Đức Minh - Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp với phòng thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ, Đội KLCĐ&PCCR số 2, Ban QLRPH Đức Cơ và Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh kiểm tra một số vị trí tại khu vực giáp biên giới huyện Đức Cơ và Camphuchia
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Chi cục Kiểm lâm vùng IV đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai trong công tác đôn đốc các Hạt Kiểm lâm trực thuộc có đường biên giới thường xuyên tuần tra, truy quét, xây dựng kế hoạch kiểm tra các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, tuy nhiên trong thời gian tới cần tăng cường thực hiện tốt hơn nữa một số nội dung như: tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các cấp thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Văn bản số 1643/BNN-KL ngày 08/3/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, PCCCR và các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của địa phương đã ban hành; Tăng cường ứng dụng công nghệ GIS, ảnh viễn thám và thiết bị bay trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng, đặc biệt là phát hiện sớm các điểm biến động rừng trái với quy định của pháp luật, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để phát sinh hình thành các “điểm nóng”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền xã, cơ quan chức năng có nội dung đa dạng phong phú, phù hợp, hiệu quả tuyên truyền cao áp dụng song ngữ, hỗ trợ, khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Bài, ảnh: Nguyễn Đức Minh – Đội Kiểm lâm CĐ&PCCCR