Trong những năm qua, công tác lâm nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chỉ thị 12/CT-TTg, Chỉ thị số 08/CT-TTg và Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 và Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 Ban Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 Ban Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017; Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016; Thông báo số 197/TB-VPCP ngày 04/4/2017 và Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017) và các Bộ, ngành Trung ương về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020… Quốc hội đã ban hành Luật Lâm nghiệp Luật số 16/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2017; Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; các cơ chế, chính sách tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và được Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện kịp thời, phát huy hiệu quả và tạo nguồn lực để thực hiện công tác Lâm nghiệp. Cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương đã quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng; nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với sự nghiệp phát triển rừng bền vững có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện công tác lâm nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Tây Nguyên đang đứng trước các thách thức rất lớn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng: Yêu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp ngày càng tăng; tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng vẫn diễn ra mạnh mẽ. Với đặc điểm điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là các cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày đã thu hút lao động, dân di cư đến Tây Nguyên, tình trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên mang tính chất tự phát, không theo quy hoạch gây khó khăn trong việc quy hoạch vùng sản xuất lâm nghiệp, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái.
Đặc biệt ngày 11 tháng 12 năm 2014 Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tăng cường Công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020 tại Quyết định số 2242/QĐ-TTg. Đóng cửa rừng tự nhiên thường hướng tới mục tiêu bảo vệ vốn rừng, hạn chế khai thác trái phép và giảm diện tích rừng tự nhiên bị chuyển đổi; từ đó có thể bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù và gia tăng khả năng cung cấp các dịch vụ môi trường đi kèm. Với quản trị rừng, thực hiện chỉ thị đóng cửa rừng tự nhiên có thể thúc đẩy việc thực thi các chính sách về quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng; thể hiện tuân thủ các cam kết quốc tế về sáng kiến, chương trình liên quan như CITES, REDD+..., thực hiện các chính sách liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng như thúc đẩy các chương trình, kế hoạch đào tạo và bố trí nhân lực cho ngành lâm nghiệp theo xu hướng mới để gia tăng giá trị từ rừng. Điều đó cho thấy mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững ở Tây Nguyên là vấn đề cấp bách, đáng quan tâm
Thuật ngữ “phát triển bền vững” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980, trong bản “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN - International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) với nội dung rất đơn giản: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”. Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED - World Commission on Environment and Development) của Liên hợp quốc, “phát triển bền vững” được định nghĩa là “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội... phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế - xã hội - môi trường.
Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002: “Phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).
Tiêu chí của phát triển bền vững: Thứ nhất, phát triển bền vững về kinh tế là phát triển nhanh và an toàn, chất lượng. Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế trong đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng. Yếu tố được chú trọng ở đây là tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, không chỉ tập trung mang lại lợi nhuận cho một số ít, trong một giới hạn cho phép của hệ sinh thái cũng như không xâm phạm những quyền cơ bản của con người. Khía cạnh phát triển bền vững về kinh tế gồm một số nội dung cơ bản: Một là, giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống; Hai là, thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường; Ba là, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục; Bốn là, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối; Năm là, công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử dụng). Nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau: (1) Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế. (2) Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững. (3) Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá. Thứ hai, phát triển bền vững về xã hội được đánh giá bằng các tiêu chí, như HDI (Human Development Index: chỉ số phát triển con người là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỉ lệ biết chữ (học vấn) và tuổi thọ của các quốc gia trên thế giới), hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn. Phát triển bền vững về xã hội gồm một số nội dung chính: Một là, ổn định dân số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân vào đô thị; Hai là, giảm thiểu tác động xấu của môi trường đến đô thị hóa; Ba là, nâng cao học vấn, xóa mù chữ; Bốn là, bảo vệ đa dạng văn hóa; Năm là, bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ích giới; Sáu là, tăng cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định. Thứ ba, phát triển bền vững về môi trường. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới,... đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Phát triển bền vững về môi trường gồm những nội dung cơ bản: Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; Hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; Ba là, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn; Bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm; Sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm...
Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020 nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 gồm: các chỉ tiêu tổng hợp (GDP xanh, chỉ số phát triển con người, chỉ số bền vững môi trường); Chỉ tiêu về kinh tế (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội, mức giảm tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân vãng lai...); Chỉ tiêu về xã hội (tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo, tỷ số giới tính khi sinh, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập...); Chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường (tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ đất được bảo vệ, diện tích đất bị thoái hoá...). Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020 được cụ thể hóa bằng những mục tiêu cơ bản:
Về kinh tế, cần duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển bền vững các vùng và địa phương. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt trung bình 7%/năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm tính theo GDP tăng lên 3.200 - 3.500 USD (so với mức 2.100 USD năm 2015). Lạm phát giữ ở mức dưới 5%.
Về xã hội, tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững; tạo việc làm bền vững; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%/năm. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; năm 2014 đã có 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trên 8,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 72% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.052 USD/người (2014). Tuổi thọ trung bình đạt 73,5 tuổi (2015). Hoàn thành nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ. Ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hoá hài hoà với phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam; phát triển bền vững các đô thị, xây dựng nông thôn mới, phân bố hợp lý dân cư và lao động theo vùng; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp thích hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, vùng và địa phương;...
Về tài nguyên và môi trường, chống thoái hoá, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển; bảo vệ và phát triển rừng; giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn và khu công nghiệp...
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành, các Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong toàn khu vực. Các giải pháp trọng tâm đã được thực hiện trong thời gian qua đặc biệt là công tác quy hoạch ngành lâm nghiệp, gồm: (1) Quy hoạch 3 loại rừng gắn với quy hoạch sử dụng đất của các địa phương theo từng thời kỳ, hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng gắn với quy hoạch sử dụng đất của các địa phương đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; (2) Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo từng thời kỳ (có điều chỉnh, bổ sung quy hoạch); (3) Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững hệ thống rừng đặc dụng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; (4) Quy hoạch hệ thống các cơ sở chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu, quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống và các đề án, dự án trọng tâm của ngành; Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, hiện đã rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020 thành Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 886/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện; Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2025; Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; Ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các nguồn lực phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại các địa phương.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, có tổng diện tích tự nhiên 5.459.150,72 ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, với khoảng 5,6 triệu người. Là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Theo kết quả hiện trạng rừng năm 2019 tại Quyết định số 1423/QĐ-BNN-TCLN ngày 15/4/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019 toàn khu vực có 3.239.600 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2.559.956 ha trong đó rừng tự nhiên là 2.191.222 ha và 368.734 ha rừng trồng, với độ che phủ là 45,92 %. Rừng tự nhiên ở Tây Nguyên phân bố chủ yếu ở các vùng đồi núi, nơi đây cũng là vùng sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, có tập quán kinh kế, văn hóa xã hội truyền thống và kiến thức bản địa gằn liền với rừng. Tài nguyên rừng và đất rừng ở đây không những là nguồn lực sinh kế đặc biệt của người dân Tây Nguyên mà còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định xã hội và an ninh quốc phòng.
Theo Luật lâm nghiệp năm 2017, khu vực Tây Nguyên có 31 khu bảo tồn và Vườn quốc gia với tổng diện tích 737.647 ha chiếm 13,51% diện tích tự nhiên của toàn vùng, trong đó:
+ 08 Vườn quốc gia với tổng diện tích: 388.262 ha (có 03 Vườn trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, trong đó VQG Nam Cát Tiên quản lý 1 phần diện tích tại tỉnh Lâm Đồng và Vườn quốc gia Bạch Mã quản lý 1 phần diện tích tại tỉnh Quảng Nam) và 05 Vườn quốc gia trực thuộc tỉnh;
+ 15 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích: 322.346 ha (trong đó có 06 Khu dữ trữ thiên nhiên: 157.315 ha và 09 khu bảo tồn loài - sinh cảnh: 165.031 ha
+ 04 khu bảo vệ cảnh quan với diện tích: 20.837 ha
+ 04 khu thực nghiệm, nghiên cứu khoa học: 6.202 ha
Hệ thống khu rừng đặc dụng đóng vai trò quan trọng đối với bảo tồn đa dạng sinh học; đại diện khá đầy đủ cho các hệ sinh thái , sinh cảnh rừng, các đai cao khác nhau ở khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đặc trưng về tự nhiên, hệ thống các khu rừng đặc dụng ở Tây Nguyên còn mang nét đặc thù về văn hóa - xã hội, bởi phân bố và sinh sống lâu đời ở đây là các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa. Từ bắc vào nam Tây Nguyên tính đại diện của các cộng đồng dân tộc thiểu số thể hiện rõ nét, tập trung sinh sống xung quanh các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Kon Tum có cộng đồng dân tộc Xơ Đăng, R’Mâm, H’Lăng, Brâu, Dẻ, Dẻ Triêng, cư Tu,... Tại Gia Lai có các cộng đồng dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar, Rakglei,... Ở Đắk Lắk và Đắk Nông có các cộng đồng dân tộc thiểu số Ê Đê, M’Nông,... Ở Lâm Đồng có các cộng đồng dân tộc thiểu số K’Ho, Mạ, Chu ru, Sre, Stiêng. Với quan điểm bảo tồn kết hợp giữa hệ tự nhiên và xã hội, có thể xem hệ thống bảo tồn vùng Tây Nguyên mang nét đặc trưng, đại diện cho tính đa dạng về hệ sinh thái nhân văn khác nhau của vùng.
Với đặc thù đó, vai trò của hệ thống rừng đặc dụng ở Tây Nguyên không chỉ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên mà còn bảo tồn tính đa dạng nét văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa. Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều có những vốn kiến thức khác nhau, kinh nghiệm khác nhau trong sử dụng và quản lý tài nguyên rừng. Trong quá trình sử dụng họ biết nâng cao và trân trọng những giá trị của tự nhiên, đôi khi nâng lên thành những giá trị về tâm linh mà ngay cả Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã công nhận. Tất cả được đúc kết thành những nét văn hóa riêng, giúp họ có cuộc sống hòa nhập vào thiên nhiên. Tuy nhiên, điều này đã tỏ ra thiếu bền vững trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội khi áp lực gia tăng dân số, nhu cầu đất đai,... và đặc biệt là vấn đề dân di cư tự do đã tác động mạnh mẽ không chỉ đến tài nguyên rừng mà còn làm thay đổi cả nét văn hóa truyền thống trong quản lý sử dụng tài nguyên của các dân tộc bản địa nơi đây. Vấn đề này đã được Hội nghị Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên sáng ngày 22/6/2020, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã đề cập đến. Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng Tây Nguyên đạt trên 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; bảo vệ 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có; trồng 7.100 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 136.600 ha rừng sản xuất; khoanh nuôi, tái sinh rừng bình quân 36.600ha/năm; trồng cây phân tán bình quân đạt 3,23 triệu cây/năm. Để đạt được mục tiêu đó, Báo cáo đã nhấn mạnh UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên chỉ đạo giải quyết nhanh, kịp thời tình trạng di dân tự do theo hướng ổn định đời sống và việc làm của người dân. Trước mắt, phải kiểm soát được tình trạng dân di cư tự do đến địa phương.
Xu hướng phát triển của thế giới hiện nay về bảo tồn đa dạng sinh học là bảo tồn gắn với phát triển bền vững. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh cho hướng đi đúng đắn này, theo nhân định của R.B.Primack (1998)(Cơ sở sinh học bảo tồn Nxb Sinauer Associates Inc, Mỹ và Nxb Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội) “Nếu như phát triển bền vững là một khái niệm hữu ích trong sinh học bảo tồn thì nó cần được xem xét trong hệ thống quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.”
Trước đó, để chặn đứng tình trạng mất rừng, tập trung giải quyết đất đai, từng bước khôi phục, phát triển rừng bền vững phù hợp với điều kiện nguồn lực, đặc điểm, điều kiện tự nhiên của vùng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên, cần có các giải pháp lâu dài, đồng bộ, đồng thời cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương để khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 tại văn bản số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030” tại Quyết định 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó ngày 11/12/2019 Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành Quyết định số 391/QĐ-TCLN-HKTC về “Phê duyệt đề cương, dự toán Dự án “Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp khôi phục, phát triển hệ sinh thái rừng khộp ở Tây Nguyên”. Ngày 09/7/2020 tại thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra “Hội nghị Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, đời sống người dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức để tiến tới triển khai, xây dựng Đề án “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên và kiến nghị giải pháp”nhằm quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả đất đai, ổn định sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng và nguồn nhân lực để nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương và cả hệ thống chính trị các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng để thu hút mọi nguồn lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng.
Tây Nguyên được coi là “Nóc nhà của Đông Dương”, có vị trí địa lý, chính trị hết sức quan trọng, là vùng đất có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và có tiềm năng lớn về tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến cực đoan, tình trạng khô, hạn diễn ra ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là Tây Nguyên, đã có những ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội, môi trường của địa phương, …. Như vậy, một mặt, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lâm nghiệp Tây Nguyên đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức, nhưng mặt khác do suy thoái rừng (cả diện tích và chất lượng), nên rừng đã không giữ được vai trò phát triển kinh tế xã hội, điều tiết nước, điều hòa không khí và bảo vệ môi trường….
Ảnh minh họa: Diện tích trồng cây ngập nước tại Vườn Quốc Gia Tà Đùng tỉnh Đăk Nông
Khi nói đến văn hoá Tây Nguyên, người ta thường nói đến nhà rông, nhà dài, cồng chiêng, các loại nhạc cụ độc đáo, các lễ hội…, không sai, nhưng đó là những biểu hiển ra bên ngoài, trên bề mặt của văn hoá, nếu tách những cái đó ra khỏi rừng, thì tất cả chỉ còn là những cái xác của văn hoá, những cái xác không có hồn. Mà ai cũng biết, văn hoá là hồn chứ không phải xác. Chính vì vậy mà UNESCO đã rất tinh tế không phải công nhận cồng chiêng, cũng không phải âm nhạc cồng chiêng, mà là “không gian văn hoá cồng chiêng”, không gian ấy tức là rừng và làng bản. Chính vì vậy để giữ vững diện tích rừng hiện có và để khôi phục lại diện tích rừng bị mất cần có giải pháp khả thi vừa đảm bảo vừa giữ được rừng, giữ đất lâm nghiệp hiện có và khôi phục có hiệu quả môi trường rừng nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích sinh kế cho người dân và thực thi đúng quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai. Việc khôi phục phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề cần được giải quyết nhằm ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo kỷ cương pháp luật, nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp. Đồng thời, để lồng ghép các chương trình, đề án và các chỉ đạo đã và đang triển khai cần kết hợp thực hiện có hiệu quả như Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng” tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015 - 2020; Đề án phục hồi rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất cây nông nghiệp, công nghiệp bằng giải pháp lâm nông kết hợp đến năm 2020; Đề án bảo vệ và khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030; “Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp khôi phục, phát triển hệ sinh thái rừng khộp ở Tây Nguyên”. Và sắp đến là “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên và kiến nghị giải pháp”là cần thiết để hướng đến Tây Nguyên phát triển bền vững trong thời gian tới.
Kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng từ năm 2015 đến năm 2019 tỷ lệ che phủ rừng của các tỉnh Tây Nguyên có xu hướng giảm (từ 46,08% của năm 2015 giảm xuống 45,92% của năm 2019 (giảm 0,06 % ). Như vậy, có thể nói, hướng đến phát triển bền vững ở Tây Nguyên bao gồm nhiều nội dung, nhiều lãnh vực, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương. Muốn vậy các địa phương cần tiếp tục triển khai khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng; Xây dựng và thực hiện Quy hoạch cấp tỉnh (các nội dung về lĩnh vực lâm nghiệp), Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững của các địa phương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 và Kế hoạch năm 2021 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; Từng bước nghiên cứu, đề xuất các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành. Ưu tiên các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám trong theo dõi diễn biến rừng; Cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng trồng; Sản xuất nông lâm kết hợp; Khảo nghiệm mở rộng các giống tiến bộ kỹ thuật, giống nhập nội, giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng gỗ lớn, công nghệ chế biến,... Đây là những giải pháp quan trọng đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân có cuộc sống gắn với nghề rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Trong các năm gần đây có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phương thức sử dụng đất hiệu, góp phần phục hồi cảnh quan rừng ở Tây Nguyên bằng mô hình nông lâm kết hợp như: trên đỉnh đồi khoanh nuôi rừng tự nhiên, sườn đồi trồng cà phê và có cây rừng bản địa như sao đen, dầu rái, sưa, căm xe; đỉnh đồi trồng rừng, sườn đồi trồng cây công nghiệp lâu năm xen cây ăn quả; Trồng kết hợp các loài cây rừng bản địa xen trong vườn cà phê như sao đen, dầu rái, sưa, quế, bời lời,.. kết hợp cà phê đang được thử nghiệm và tỏ ra thành công, cần khuyến khích áp dụng ở các hộ đồng bào, các đồn điền cà phê và các công ty lâm nghiệp. Với mục tiêu tham canh rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, cây đặc sản, đồng thời kết hợp kinh doanh cà phê, tiêu,... Các mô hình này có hiệu quả kinh tế cao và có tác dụng bảo vệ đất đai; Ngoài ra còn có các mô hình: cao su kết hợp với ca cao; thông ba lá và cà phê ;.... (Báo cáo tham luận của Tiến sỹ Võ Hùng - Trường Đại học Tây Nguyên tại Hội nghị Tiếp cận cảnh quan trong quản lý tài nguyên rừng ở Tây Nguyên do Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk ngày 23/10/2018 ). Ngoài ra còn có các nghiên cứu về thực hành nông lâm kết hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên tại Hội thảo “Thực hành nông lâm kết hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên” tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đắk Lăk tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk ngày 18-19/12/2018 cũng đưa ra các mô hình nông lâm kết hợp và các giải pháp thực hành, nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Và ngày 03/4/2019 Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (TROPENBOS) tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk về Diễn đàn quản lý rừng bền vững ở Tây Nguyên trong bối cảnh thực thi Luật Lâm nghiệp Tiến sỹ Lã Nguyên Khang đã có bài tham luận tại Hội nghị về giải pháp phục hồi rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp cho vùng Tây Nguyên trường hợp nghiên cứu tại Lâm Đồng đã đánh giá hiệu quả kinh tế các mô hình trồng xen cây lâm nghiệp với cà phê tại Lâm Đồng như: Cà phê + Mắc ca + Sầu riêng + Bơ; Cà phê + Hồ tiêu + Muồng đen; Cà phê + Muồng đen; Hồ tiêu + Muồng đen; Cà phê + Mắc ca,...
Như vậy để khôi phục lại môi trường rừng bị mất, bị suy thoái và chặn đứng tình trạng mất rừng, cần có giải pháp khả thi vừa đảm bảo khôi phục môi trường rừng vừa hài hòa và chia sẻ lợi ích sinh kế cho người dân, đồng thời cần vận dụng phù hợp và tuân thủ các quy định, chính sách pháp luật của nhà nước; tạo sự đồng thuận trong người dân và chính quyền địa phương để hướng đến phát triển bền vững Tây Nguyên là thiết thực phù hợp với thực tế hiện nay./.
Nguồn: Hòa Bình – Phòng Nghiệp vụ II