Theo số liệu thống kê, báo cáo của Chi cục Kiểm lâm vùng IV cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024 các tỉnh Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ (trừ Ninh Thuận và Bình Thuận) đã có nhiều nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể:
Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2023, toàn vùng hiện có 4,546 triệu ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên 3,223 triệu ha, rừng trồng thành rừng 1,080 triệu ha và rừng trồng chưa thành rừng 0,243 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng bình quân toàn vùng đạt 48,96% trong đó khu vực Duyên hải Nam Trung bộ (06 tỉnh, thành phố) là 53,04% và khu vực Tây Nguyên là 46,47% (05 tỉnh), tăng 0,25% so với năm 2022 (khu vực Duyên hải Nam Trung bộ tăng 0,37% và khu vực Tây Nguyên tăng 0,19%).
Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Rừng gỗ lá rộng rụng lá núi đất (rừng Khộp) tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk (ảnh minh họa)
Về phát triển rừng, tính đến tháng 9/2024 diện tích rừng trồng mới tập trung toàn vùng đạt 34.136,99 ha (05 tỉnh Tây Nguyên là 7.703,12 ha và 06 tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ là 26.433,87 ha), tăng 4,48% so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đạt 7.095,500 ha (khoanh nuôi chuyển tiếp 5.419,910 ha và khoanh nuôi mới 1.675,590 ha), tăng 1,23% so với cùng kỳ năm năm 2023. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 10.239,53 nghìn cây, giảm 32,10% và diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 83.616,01 ha, tăng 46,80%) so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Vườn quốc gia Tà Đùng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông trồng rừng và trồng cây lâm nghiệp phân tán (ảnh minh họa)
Sản lượng gỗ khai thác của toàn vùng trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 4.029.325,745 m3 gỗ các loại, tăng 22,30% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung 3.975.674,145 m3 gỗ các loại với diện tích 38.976,615 ha; Sản lượng gỗ khai thác từ cây trồng phân tán 872,940 m3 gỗ các loại; Sản lượng gỗ khai thác từ cây cao su và loài cây đặc sản khác 52.778,660 m3. Sản lượng khai thác củi 309.231,570 ster.
Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Khu vực khai thác rừng trồng FSC tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi (ảnh minh họa)
Trong 9 tháng đầu năm 2024, lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng trong toàn vùng đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ 2.083 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 7,67% so với cùng kỳ năm 2022; Diện tích rừng thiệt hại 823,755 ha, tăng 41,99% trong đó thiệt hại do phá rừng 329,158 ha, thiệt hại do cháy rừng 373,507 ha và thiệt hại do nguyên nhân khác 121,110 ha (tại Đăk Lăk và Quảng Ngãi).
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, các quan chức năng trong toàn vùng đã xử lý là 1.831 vụ vi phạm, trong đó xử lý hình sự 103 vụ và xử phạt hành chính 1.728 vụ; Lâm sản tịch thu sau xử lý là 1.048,500 m3 gỗ tròn, xẻ các loại và 1.091 cá thể động vật hoang dã các loại, trong đó có 24 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm; Tổng số tiền thu nộp ngân sách sau xử lý 10,318 tỷ đồng.
Ảnh: Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Chi cục Kiểm lâm vùng IV - Vụ cháy rừng Thông tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (ảnh minh họa)
Về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong 9 tháng đầu năm 2024 các địa phương đã thu được 853.850.518 nghìn đồng, giảm 4,04% so với cùng kỳ năm 2023; Tổng tiền chi trả cho các chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng 690.149.497 nghìn đồng, giảm 4,10%, với diện tích được chi trả 1.627.646 ha, tăng 1,97%.
Như vậy, để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới (3 tháng cuối năm 2024) các địa phương trong toàn vùng cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp sau: Về công tác phát triển rừng, các tỉnh Tây Nguyên tập trung rà soát, thống kê chính xác các diện tích đã trồng, nghiệm thu rừng trồng, tổ chức bảo vệ và phòng chống sâu bệnh hại rừng theo quy định; Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ tiếp chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực (quỹ đất, vật tư kỹ thuật, giống cây trồng và vốn đầu tư) để hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng năm 2024. Về công quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08/3/2024 của của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ Về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và các Chương trình, Nghị quyết của địa phương. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sẵn sàng phối hợp các lực lượng để ứng phó, xử lý kịp thời đối với các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng cao, hạn chế tối đa không để phát sinh các điểm nóng, phức tạp. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng./.
Ths. Nguyễn Đình Thắng, Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm vùng IV