Hội thảo tổng kết “Dự án quản lý tài nguyên bền vững và cải thiện sinh kế vùng đầu nguồn sông Sêrêpốk”

12/01/2021

Ngày 26/11/2020, Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tổ chức Hội thảo tổng kết “Dự án quản lý tài nguyên bền vững và cải thiện sinh kế vùng đầu nguồn sông Sêrêpốk”. Hội thảo nhằm đánh giá lại hiện trạng quản lý tài nguyên, sự thay đổi và định hướng cho các hoạt động tiếp theo liên quan đến phục hồi rừng cảnh quan, tiếp cận quản lý rừng bền vững.

Tham dự hội thảo có hơn 30 đại biểu, là đại diện đến từ Sở NN&PTNT tỉnh ĐăkLăk, Đại học Tây Nguyên, Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục kiểm lâm tỉnh ĐăkLăk, các nhà quản lý cấp huyện, các chủ rừng và cộng đồng bảo vệ rừng thuộc huyện Lắk, Krông Bông và các bên liên quan khác.

Đại biểu tham dự hội nghị

Hội thảo đã tập trung trình bày và thảo luận về thực trạng quản lý tài nguyên; các tác động thay đổi trong giai đoạn 2017-2020. Trong đó, các chuyên gia cùng thảo luận nhóm và đóng góp ý kiến về chủ đề : Tính bao trùm của chính sách liên quan đến quản trị tài nguyên; Văn hóa hợp tác của các bên liên quan trong quản trị tài nguyên; Điều phối giữa các bên trong thực thi quản trị tài nguyên; áp dụng thực hành quản lý tài nguyên bền vững, thân thiện với môi trường.

Ông Trần Hữu Nghị- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Các đối tác của Tropenbos Việt Nam cũng sẽ đánh giá lại những hoạt động tham gia trong tiến trình dự án và tiềm năng tham gia trong thời gian đến; các tác động của dự án đến quản trị tài nguyên nói chung và tài nguyên rừng nói riêng và sinh kế người dân địa phương; kiến thức và bài học tiếp cận cảnh quan; kết quả của dự án GLA…

Chuyên gia Tropenbos Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Dự án Quản trị tài nguyên bền vững và cải thiện sinh kế vùng đầu nguồn lưu vực Sêrêpốk nằm trong khuôn khổ Chương trình Liên minh sinh kế xanh (Green Livelihood Alliance – GLA) được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Tại Việt Nam, chương trình GLA được thực hiện bởi 3 tổ chức: Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (VietNature). Chương trình GLA tập trung vào phục hồi cảnh quan rừng và cải thiện sinh kế bền vững của người dân ở lưu vực sông Sêrêpốk, cụ thể là khu vực thượng nguồn sông Sêrêpốk thuộc hai huyện Lắk và Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Tại Đắk Lắk, Dự án GLA triển khai từ 2017-2020 đã tập trung vào các hoạt động hỗ trợ các bên liên quan tham gia vào tiến trình chính sách; hỗ trợ xây dựng chính sách về rừng, đất đai; Khuyến khích các thực hành tốt về phục hồi cảnh quan rừng, sinh kế gắn với quản lý tài nguyên. Bằng phương pháp tiếp cận cảnh quan, Dư án hướng đến quản trị tốt về tài nguyên thiên nhiên, duy trì và nhân rộng cho cộng đồng cư dân bản địa cùng tham gia.

Đối với thực hành trồng cây bản địa phục hồi rừng, dự án đã tổ chức nghiên cứu xung đột về quyền sử dụng đất giữa các chủ thể, tập huấn về cơ hội phục hồi cảnh quan rừng. Có 25 hộ ở huyện Krông Bông trồng 24.000 cây bản địa/44ha. 25 hộ dân ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin trồng 16.000 cây/2ha; Phổ biến nhân rộng ở nhóm thiện nguyện Trái tim xanh trồng 149.000 cây bản địa ở huyện Krông Bông.

Về khuyến khích các thực hành tốt về phục hồi rừng, sinh kế bền vững đã tổ chức tập huấn cho phụ nữ và thanh niên huyện Krông Bông, Lắk; phổ biến nhân rộng Dự án “Phát triển cà phê bền vững Tây Nguyên” và “Cụm cảnh quan cà phê Đắk Lắk” với 30 ha mô hình, nhân rộng 300 ha, 3.000 hộ hưởng lợi.

Đánh giá về cơ hội phục hồi rừng cảnh quan tiếp cận quản lý rừng bền vững FSC do Tropenbos Việt Nam phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn Tây Nguyên (Viet Nature) đã thực hiện tại xã Ea Trang (huyện M’Đrắk) và xã Cư Kty đều đã đồng ý xác nhận các hộ dân trồng rừng trên đất dự án đủ tiêu chuẩn tham gia chứng chỉ. Đây là chứng chỉ quản lý bảo vệ rừng FSC đầu tiên của Đắk Lắk và Tây Nguyên có khả năng mở rộng trong thời gian đến.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua của “Dự án quản lý tài nguyên bền vững và cải thiện sinh kế vùng đầu nguồn sông Sêrêpốk” đã góp phần phân tích hiện trạng quản lý tài nguyên, sự thay đổi và định hướng cho các hoạt động tiếp theo liên quan đến phục hồi rừng cảnh quan, tiếp cận quản lý rừng bền vững.

Nguồn: Phi Hùng – Phòng Nghiệp vụ II