Sáng 12/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ
NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả trồng rừng thay
thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác và các giải pháp thực hiện
trong thời gian tới. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ
Hoàng Trung Hải. Tại Đắk Lắk, đồng chí Y Dhăm Ênuôl- Phó Chủ tịch Thường trực
UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk
Lắk
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, tổng diện tích rừng
phải trồng rừng thay thế trong cả nước là 67.750ha, đến cuối tháng 9/2015 cả
nước đã trồng rừng thay thế được gần 16.000ha, đạt 23,6% kế hoạch, riêng 9
tháng đầu năm, có 23/50 tỉnh thực hiện trồng rừng thay thế với diện tích gần
8.100ha, đạt 36% kế hoạch. Tổng số tiền do các chủ dự án nộp về Qũy bảo vệ và
phát triển rừng 262.306 triệu đồng, trong đó đã giải ngân được 68.510 triệu
đồng. Các địa phương tích cực triển khai trồng rừng thay thế gồm: Tuyên Quang,
Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát
biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Trong năm 2015, trên cơ sở rà soát, đánh giá và khả năng
thực hiện của các địa phương, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13
ngày 27/11/2013 của Quốc hội về việc hoàn thành việc trồng rừng thay thế của
các dự án thủy điện đã và đang vận hành. Tổng cục Lâm nghiệp đã lập Kế hoạch
trồng rừng thay thế 22.300ha, trong đó các dự án thủy điện 8.800 ha, dự án khác
13.500 ha. Đối với các dự án chuyển mục đích sang xây dựng công trình thủy điện
có 11/26 địa phương có kế hoạch trồng rừng thay thế thực hiện trồng rừng thay
thế, với diện tích 5.709 ha, đạt 65% kế hoạch năm. Theo đánh giá của Bộ NN
& PTNT các địa phương đã tích cực triển khai trồng rừng thay thế đối với dự
án thủy điện đạt kết quả cao như: Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng,
Gia Lai. Các địa phương có dự án thủy điện phải trồng rừng thay thế với diện
tích lớn, nhưng chưa trồng gồm: Huế, Cao Bằng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên,
Kom Tum, Quảng Nam, Bình Phước.
Đại diện UBND tỉnh Lào Cai phát biểu ý kiến tại
Hội nghị
Việc triển khai các dự án chuyển sang mục đích khác đã có
20/48 địa phương có kế hoạch trồng rừng thay thế thực hiện trồng rừng thay thế
với diện tích 2.380 ha, đạt 18% kế hoạch năm. Các địa phương tích cực triển
khai trồng rừng thay thế gồm: Thanh Hóa, Kom Tum, Tuyên Quang; các địa phương
phải trồng rừng thay thế với diện tích lớn, nhưng kết quả trồng đạt thấp gồm:
Yên Bái, Đắk Nông, Phú Thọ, Bình Thuận, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Trà Vinh,
Bình Định, Bình Phước.
Đại diện UBND tỉnh Yên Bái phát biểu ý kiến tại
Hội nghị
Nhận định chung của các Bộ, ngành, địa phương tham gia Hội
nghị, công tác trồng rừng vẫn còn nhiều hạn chế, công tác chỉ đạo triển khai
trồng rừng thay thế ở nhiều tỉnh chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là một
số tỉnh có chỉ tiêu kế hoạch lớn. Hầu hết các địa phương chưa chủ động bố trí
vốn ngân sách nhà nước để trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển mục
đích sang xây dựng công trình công cộng. Một số dự án đã hoàn thành, quyết
toán, Ban quản lý dự án đã giải thể, chủ đầu tư đã bàn giao hoặc sang nhượng
giá trị cho các đơn vị khác quản lý khai thác sử dụng, nên khó khăn trong việc
quy trách nhiệm và giải quyết nguồn vốn cho trồng rừng thay thế.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những
nỗ lực của địa phương trong công tác chỉ đạo trồng rừng thay thế, trong thời
gian tới, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục đôn đốc, chỉ
đạo các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2014 của
Thủ tướng Chính phủ và Đề án trồng rừng thay thế. Bộ Công Thương chỉ đạo tập
trung chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát tình hình thực hiện trồng rừng
thay thế của các đơn vị trực thuộc, kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt
động đối với dự án không chấp hành trồng rừng thay thế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan bố trí vốn trồng
rừng thay thế đối với các dự án đã được thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng
rừng trước ngày 01/7/2015 được đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Đối với UBND các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg
ngày 24/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai trồng rừng thay thế theo
kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng chí Phó Thủ tướng nhấn mạnh: việc trồng rừng
thay thế phải chú trọng vào chất lượng rừng, đảm bảo mục tiêu che phủ rừng gắn
với phát triển bền vững đất nước.
Nguồn, ảnh: Kim Bảo - Cổng thông tin điện tử ĐakLak
Web: http://daklak.gov.vn/