Ngày 30 tháng 10 năm 2020, tại thành phố Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết áp dụng ứng dụng di động trên máy tính bảng vào hệ thống theo dõi diễn biến rừng
Về dự, chủ trì hội nghị có đồng chí Vũ Văn Hưng - Phó trưởng ban quản lý các dự án Lâm nghiệp; Đ/c Nguyễn Danh Thanh Hải - Phó trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng Cục Kiểm lâm; Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và Chi cục Kiểm lâm của 18 tỉnh dự án đã triển khai, bao gồm: Tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Thuận và Cà Mau; Đại diện lãnh đạo, các phòng Nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm vùng I, II, III, IV cũng đã tham dự Hội nghị tổng kết.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết áp dụng ứng dụng di động
Theo báo cáo và đánh giá chung của Dự án đến thời điểm tổng kết Hội nghị đã có 18 tỉnh sử dụng ứng dụng di động bao gồm 16 tỉnh mở rộng với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ/ dự án và 02 tỉnh tự mở rộng với nguồn lực tại địa phương bao gồm: Tỉnh Bắc Giang và Phú Yên.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe phần trình bày của dự án về hiệu quả của việc áp dụng các ứng dụng mà dự án JiCa đã xây dựng, triển khai cho 18 tỉnh, đồng thời cũng đã chỉ ra những tồn tại trong thời gian tới cần các bên phối hợp thực hiện để tiến tới mở rộng phạm vi trên toàn quốc, cụ thể: ứng dụng di động (FRMS Mobile và ứng dụng phát hiện sớm mất rừng đối với công tác theo dõi diễn biến rừng tại trang web: http://canhbaomatrung.kiemlam.org.vn/.
Đối với hợp phần ứng dụng di động dự án đã nâng cấp lên phiên bản 3.2, đây là một phần quan trọng trong theo dõi diễn biến rừng giúp cho người dùng thuận lợi hơn trong việc khảo sát, sử dụng bản đồ số để dễ dàng xác định biến động trên thực địa, mang lại số liệu thực địa chính xác hơn (có ảnh chụp thực địa, phiếu khảo sát dạng số). Hợp phần thư 2 là ứng dụng phát hiện sớm mất rừng đã được dự án xây dựng với giải pháp sử dụng ảnh vệ tinh, tự động quét trên từng huyện với chu kỳ 10 ngày 1 lần, trong đó phân tích dữ liệu ảnh vệ tinh sẵn có (Landsat 7,8; Sentinel 2) dựa trên xử lý, tính toán trên nền tảng điện toán đám mây nhằm phát hiện ta các diện tích có thể có biến động (>0.5 ha) trong phạm vi đất quy hoạch lâm nghiệp. Kết quả được gửi đến thư điện tử của lực lượng kiểm lâm các cấp (mở dễ dàng với FRMS Desktop và FRMS Mobile, làm dữ liệu tham chiếu để Kiểm lâm địa bàn khảo sát thực địa).
Ứng dụng di động và ứng dụng cảnh báo sớm mất rừng do dự án xây dựng
Tại Hội nghị tổng kết lần này, các đại biểu đã đóng góp ý kiến để dự án phối hợp cùng với các cấp quản lý để có thể tiếp tục nâng cấp, cải tiến ứng dụng trong thời gian tới như: (1) Tăng nguồn ảnh vệ tinh để phân tích dữ liệu như nguồn ảnh Planet (2) Hỗ trợ đào tạo tập huấn, tài trợ trang thiết bị máy tính bảng cho 42 tỉnh còn lại chưa tham gia dự án (3) Hỗ trợ các tỉnh đồng bộ cơ sở dữ liệu FRMS Desktop lên cơ sở dữ liệu trung tâm, xuất các biểu mẫu từ phần mềm FRMS Desktop sang các biểu mẫu của thông tư 33/2018/TT-BNNPTNT (4) Cập nhật ranh giới hành chính theo nghị quyết 37/NQ-TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Bao gồm chia tách, sát nhập, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Đ/c Nguyễn Danh Thanh Hải - Phó trưởng phòng QLBVR Cục Kiểm lâm phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị đại diện Cục Kiểm lâm, đ/c Nguyễn Danh Thanh Hải đã đề nghị các địa phương tích cực khẩn trương chỉ đạo cập nhật, hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2016-2020 và trong giai đoạn đầu tư trung hạn sắp tới (2021-2025) cần quan tâm đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho công tác theo dõi diễn biến rừng đồng thời huy động các nguồn tài chính, các dự án trong và ngoài nước để đầu tư mua sắm trang thiết bị như máy tính bảng, máy tính cá nhân…; Đồng thời Cục Kiểm lâm sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên để xử lý những tồn tại, bất cập trong việc ứng dụng và sử dụng phần mềm để trong thời gian tới việc theo dõi diễn biến rừng đạt hiệu quả tốt nhất.
Nguồn: Thế Phương – Chi cục Kiểm lâm vùng IV