Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện công tác Lâm nghiệp và Quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm vùng IV và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp giai

27/04/2023

Ngày 27/4/2023, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Chi cục Kiểm lâm vùng IV tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện công tác Lâm nghiệp và Quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm vùng IV và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp giai đoạn 2021 -  2025 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023 - 2025.

Về dự Hội nghị có 100 đại biểu đại diện các đơn vị Chi cục Kiểm lâm vùng I và II; Chi cục Kiểm lâm vùng IV; Vườn quốc gia Yok Đon và 11 Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đồng chí Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị tập trung thực hiện 02 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: (1) Đánh giá kết quả hơn 2 năm thực hiện công tác lâm nghiệp và quy chế phối hợp giai đoạn 2021 - 2025, triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025. (2) Thảo luận, đề xuất sửa đổi bổ sung các nội dung quy chế phối hợp nhằm đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Theo báo cáo, đánh giá và nhận định chung của Hội nghị, từ năm 2021 đến tháng 3/2023 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các đơn vị Kiểm lâm trong toàn vùng đã quyết liệt, chủ động tham mưu cho cơ quan cấp trên và chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện công tác Lâm nghiệp và Quy chế phối hợp, đạt được nhiều kết quả tích cực: Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cơ bản đã được kiểm soát, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm dần theo từng năm (Tổng 8.920 vụ trong đó năm 2021 là 4.556 vụ, năm 2022 là 3.720 vụ và 3 tháng năm 2023 là 644 vụ; Số vụ đã xử lý là 7.331 vụ, trong đó xử lý hình sự 445 vụ, xử phạt hành chính 6.868 vụ, lâm sản tịch thu sau xử lý là 5.725,600 m3 gỗ tròn, xẻ các loại; Tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 67,3 tỷ đồng); Diện tích rừng trồng mới tập trung 140.226,226 ha (năm 2021 là 71.302,453 ha, năm 2022 là 64.666,053 ha và 3 tháng năm 2023 là 4.257,720 ha); Diện tích rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh: 28.136,252 ha (năm 2021 là 9.069,400 ha, năm 2022 là 15.236,592 ha và 3 tháng năm 2023 là 3.830,260 ha); Số lượng cây lâm nghiệp trồng phân tán: 8.985.072,811 nghìn cây; Sản lượng gỗ khai thác của toàn vùng là 11.004.562,397 m3 gỗ các loại (năm 2021 là 5.300.802,177 m3, năm 2022 là 5.231.284,170 m3 và 3 tháng năm 2023 là 472.476,050 m3); Số tiền thu DVMTR là 2.615.597.821,334 nghìn đồng và số tiền chi trả cho chủ rừng cung ứng DVMTR là 1.185.687.047,905 nghìn đồng với diện tích được chi trả DVMTR là 6.139.149,352 lượt ha, trung bình là 2.046.383,117 ha/năm; Góp phần giữ vững độ che phủ rừng toàn vùng, bình quân đạt 48,71% (năm 2022).

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đồng chí Tô Xuân Đam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV

thông qua báo cáo tóm tắt các nội dung chính Sơ kết 2 năm thực hiện công tác lâm nghiệp và quy chế phối hợp

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra các vấn đề tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới nhằm thực hiện có hiệu quả công tác lâm nghiệp và quy chế phối hợp, như: Hiện toàn vùng vẫn còn 11.583,68 ha rừng tự nhiên ở ngoài quy hoạch 3 loại rừng, chưa được xem xét đưa vào cơ cấu 3 loại rừng theo quy định của Luật lâm nghiệp; Cơ sở dữ liệu 3 loại rừng hiện chưa được điều chỉnh theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Chính phủ; Tỷ lệ độ che phủ rừng của toàn vùng cơ bản được giữ vững (48,71%), nhưng chất lượng rừng bị suy giảm khá mạnh (kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng các loại); Vẫn còn nhiều điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật chưa được xử lý triệt để dẫn đến nguy cơ mất rừng còn cao, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên; Số vụ vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại tuy có giảm nhưng còn cao, chiếm tỷ trọng lớn so với phạm vi cả nước, chiếm khoảng trên 50%. Việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật tại một số địa phương còn chậm, chưa có tính đột phá, còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao; Tình trạng Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nghỉ việc hàng loạt dẫn đến thiếu hụt nhân lực đang khiến cho nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ở các địa phương ngày càng trở nên khó khăn hơn (tính từ ngày 01/01/2020 đến nay toàn vùng có 228 công chức, viên chức và người lao động thuộc lực lượng Kiểm lâm và 983 công chức, viên chức và lao động hợp đồng thuộc các chủ rừng nhà nước bỉ việc, thôi việc); Nhiệm vụ và trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm ngày càng nhiều, thiếu nguồn nhân lực (thiếu biên chế), chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm địa bàn dẫn đến tham mưu chưa kịp thời, hiệu quả đạt được chưa cao; Nhiều chủ rừng còn hạn chế về nguồn lực, chưa thực hiện hết trách nhiệm, còn buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng; Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng, địa phương chưa được thường xuyên; Nguồn vốn đầu tư hàng năm cho phát triển lâm nghiệp còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Toàn cảnh Hội nghị

Đồng thời, Hội nghị đã đề ra 5 nhiệm vụ và 15 giải pháp trọng tâm nhằm phấn đấu và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp giai đoạn 2023 - 2025, trong đó có 5 nhiệm vụ trọng tâm là:

Thứ nhất, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ 100% diện tích rừng hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên; Đảm bảo cơ cấu 3 loại rừng hợp lý; Nâng cao năng suất, chất lượng rừng; Duy trì độ che phủ rừng ổn định từ 42% đến 43% theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Đại hội Đảng khóa XIII (toàn vùng là 48,75%).

Thứ hai, Tăng cường năng lực thực thi pháp luật về lâm nghiệp, phấn đấu số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại giảm từ 10% đến 20% so với kỳ kế hoạch trước.

Thứ ba, Tham mưu cho cơ quan chuyên môn cấp trên và chính quyền địa phương các cấp tổ chức, thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023 - 2025 (Quyết định 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022) hiệu quả, đúng quy định.

Thứ tư, Thực hiện đồng bộ các chính sách về tài chính, đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn lực tài chính đầu tư cho công quản lý, tác bảo vệ và phát triển rừng; Tập trung nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới để sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng.

Thứ năm, Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm vùng IV và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng.

   Ths. Nguyễn Đình Thắng

                               Trưởng phòng Nghiệp vụ II - Chi cục Kiểm lâm vùng IV