Sáng ngày 18 tháng 8 năm 2023 tại Vườn quốc gia Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Vườn quốc gia Cát Tiên tổ chức Hội nghị đánh giá và và ký hiệp ước hợp tác về cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm giữa Vườn quốc gia Cát Tiên và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên Hải Nam Trung bộ.
Về dự Hội nghị có 90 đại biểu, đại diện cho các đơn vị gồm: Lãnh đạo và Các đơn vị thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên; Chi cục Kiểm lâm Vùng III, Vùng IV thuộc Cục Kiểm lâm; 26 Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên Hải Nam Trung bộ; Vườn quốc gia Cúc Phương; SaFari Phú Quốc; Công ty du lịch Đầm Sen; Công ty du lịch Vườn Xoài; Thảo cầm viên Sài Gòn; Tổ chức WWF Việt Nam; Tổ chức bảo tồn Gấu (FTB); Hiệp hội Vườn thú Việt Nam; Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Monkey World (Vương Quốc Anh); Quỹ bảo tồn loài nguy cấp Châu Á và Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Pingtung (Đài Loan).
Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đồng chí Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên phát biểu khai mạc Hội nghị
Mục tiêu chính của Hội nghị là tăng cường sự phối hợp, nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong công tác thực thi pháp luật, cứu hộ và bảo tồn các loài động vật hoang dã, đặc biệt là đối với các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam và Thế giới.
Qua thảo luận, phân tích, đánh giá 05 báo cáo chuyên đề, kết hợp tham quan, khảo sát thực tế các hoạt động cứu hộ, bảo tồn tại Vườn quốc gia Cát Tiên cho thấy các hoạt động cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã tại đây bước dầu đã đạt được nhiều thành quả tích cực đáng ghi nhận: Trung bình mỗi năm tiếp nhận và cứu hộ trên 200 cá thể động vật hoang dã các loại từ các tổ chức, cá nhân tại tỉnh Đồng Nai và các tỉnh phụ cận bàn giao; hiện tại đơn vị đang tiến hành cứu hộ 50 cá thể Gấu, 34 cá thể Vượn đen má vàng, 02 cá thể Vượn đen má trắng, 04 cá thể Chà vá chân đen, 02 cá thể Wọoc bạc Đông Dương, 19 cá thể Culi và 72 cá thể động vật hoang dã khác; đồng thời tiến hành tái thả thành công 120 cá thể Culi, 12 cá thể Vượn, 10 cá thể Chà vá chân đen và 891 cá thể động vật hoang dã khác, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quy hiếm như Tê tê vàng, Tê tê java, Kỳ đà vân, Mèo rừng, …
Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Khu cứu hộ Gấu và Linh trưởng tại Vườn quốc gia Cát Tiên
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác cứu hộ và bảo tồn các loài động vật hoang dã, đặc biệt là đối với các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể như: Cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực và kinh phí còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay; Thủ tục bàn giao, tiếp nhận còn nhiều bất cập (xây dựng phương án xử lý tài sản công, kiểm dịch, thủ tục vận chuyển, …) dẫn đến việc chuyển giao các thể thể động vật hoang dã để tiến hành cứu hộ còn chậm, chưa kịp thời, nhiều loài khó có khả năng tái thả về môi trường tự nhiên, điển hình như loài Gấu (Lớn tuổi, bị nuôi nhốt quá lâu); Việc triển khai thực hiện Kế hoạch Bảo tồn linh trưởng Việt Nam theo Quyết định số 628/QĐ-TTg còn chậm, hiệu quả chưa cao, hầu hết các dự án bảo tồn linh trưởng đề có quy mô nhỏ, thiếu năng lực, trình độ và kinh phí, chỉ hoạt động ở phạm vi hẹp, chưa thực sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về về bảo tồn.
Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Toàn cảnh Hội nghị
Cũng tại Hội nghị này, Vườn quốc gia Cát Tiên tiếp tục ký 05 bản Thỏa thuận hợp tác về cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp với các đơn vị Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng (trước đó vào tháng 8/2021 Vườn quốc gia Cát Tiên đã ký 19 Thỏa thuận hợp tác về cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp với các đơn vị Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên Hải Nam Trung bộ. Đồng thời, Hội nghị thống nhất đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới, cụ thể: Tăng cường năng lực thực thi pháp luật và trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác cứu hộ, bảo tồn; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã, trọng tâm là các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm; Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, tổ chức chuyển giao, tiếp nhận nhanh chóng nhằm cứu hộ, bảo tồn các loài hiệu quả hơn; Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư (nhân lực, kỹ thuật, nguồn vốn) phục vụ cho công tác cứu hộ và bảo tồn hiệu quả hơn./.
Ths. Nguyễn Đình Thắng
Trưởng phòng Nghiệp vụ II - Chi cục Kiểm lâm vùng IV