Để rừng có chủ thực sự

12/10/2016

Ảnh: Thứ trưởng BNN & PTNT Hà Công Tuấn

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 bắt đầu được khởi động việc sửa đổi, bổ sung và dự kiến sẽ làm thay đổi diện mạo của ngành lâm nghiệp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã chia sẻ với phóng viên xung quanh dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) sửa đổi, bổ sung.

Xin ông cho biết những kết quả cụ thể đã đạt được trong ngành lâm nghiệp khi có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Luật BVPTR được ban hành từ năm 1991. Thời điểm đó, vấn đề BVPTR đặt ra rất bức bách khi độ che phủ rừng trên cả nước chỉ đạt 28%. Đến năm 2004, Quốc hội phê chuẩn Luật BVPTR 2004 thay thế luật năm 1991.

Những quy định trong luật về cơ bản rất tốt, thể hiện được tư tưởng xã hội hóa nghề rừng. Từ đó giúp hình thành thể chế, các văn bản dưới luật rất đầy đủ. Từ việc hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đã tác động rất lớn đến ngành lâm nghiệp. Do đó độ che phủ rừng đến nay đã đạt tới 40,84%.

Cùng với đó việc sản xuất chế biến lâm nghiệp đã có những bước tăng trưởng vượt bậc: Năm 2000 chúng ta mới xuất khẩu được 200 triệu USD sản phẩm gỗ và lâm sản thì đến nay, ngành hàng này đã xuất khẩu trên 7,2 tỷ USD. Trước đây, sản xuất các sản phẩm lâm nghiệp trong nước phụ thuộc đến 80% nguyên liệu nhập khẩu thì đến nay dù đã đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng hơn 70% nguyên liệu chúng ta đã chủ động được mà không phải nhập khẩu.

Vậy, tại sao chúng ta phải sửa Luật BVPTR vào thời điểm này, thưa ông?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Ngành lâm nghiệp đã có rất nhiều thay đổi từ sau Luật BVPTR 2004. Cụ thể là Luật năm 2004 chưa chú trọng đến quản lý rừng theo chuỗi và vai trò của rừng đối với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, hiện nay toàn ngành lâm nghiệp cũng đang tập trung thực hiện tái cơ cấu nên cần có luật song hành thì mới đạt được hiệu quả thiết thực.

So với năm 2004, hiện nay lĩnh vực lâm nghiệp cũng đã áp dụng nhiều chính sách mới. Ví dụ như chính sách REDD+ đo đếm và giám sát lượng phát thải CO2 từ mất rừng và suy thoái rừng trong phạm vi biên giới mỗi nước. Sau một giai đoạn nhất định, các nước sẽ tính toán lượng giảm phát thải và nhận được số lượng tín chỉ carbon rừng có thể trao đổi trên thị trường dựa trên sự giảm thiểu này. Các tín chỉ sau đó có thể được đem bán trên thị trường carbon toàn cầu hoặc chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng...

Như vậy, chúng ta cần có luật mới để thích ứng và tạo cơ chế liên kết chuỗi trong quản lý rừng bền vững. Luật cũ có 88 điều nhưng dự kiến luật đang soạn thảo sẽ có hơn 130 điều quy định chi tiết về nhiều lĩnh vực trong ngành lâm nghiệp.

Có thể nói đây là việc chỉnh sửa toàn diện. Bộ NN&PTNT cũng sẽ đề xuất đổi tên thành Luật Lâm nghiệp để phù hợp với phạm vi của Luật BVPTR.

Xin ông cho biết rõ hơn về quan điểm sửa đổi Luật BVPTR mới?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Trên cơ sở tổng kết 12 năm thực hiện Luật BVPTR (2004 - 2016), luật mới sẽ kế thừa những thành quả được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và xu hướng của quốc tế như xã hội hóa lâm nghiệp, làm cho rừng có chủ thực sự.

Luật BVPTR cũng sẽ phù hợp với các chủ trương của Đảng đã định hướng và có những chỉ tiêu cơ bản; đồng bộ với các bộ luật liên quan mới sửa đổi, đặc biệt là thay đổi về chế định sở hữu rừng trong Hiến pháp năm 2013. Nếu trước đó, Hiến pháp quy định rừng núi thuộc sở hữu Nhà nước thì Hiến pháp 2013 quy định rõ hơn rừng là tài nguyên thiên nhiên, là tài sản của quốc gia. Việc thể chế hóa nội dung này rất quan trọng để đảm bảo quyền của chủ rừng.

Luật BVPTR sửa đổi cũng hướng đến việc quản lý ngành lâm nghiệp theo chuỗi, tức là không chỉ dừng ở BVPTR mà quy định cả việc sở hữu rừng bền vững để hướng tới chế biến và tiêu thụ được các sản phẩm lâm nghiệp. Lâm nghiệp đã trở thành nền sản xuất hàng hóa thì phải có luật để hài hòa với pháp luật quốc tế được quy định rõ ràng ở các hiệp định, hiệp ước quốc tế...

Quy định “Sở hữu rừng” được đánh giá là một trong những trọng tâm sửa đổi của Luật BVPTR. Vậy việc này được xác định cụ thể trong nội dung luật như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Ngoài tư tưởng quy định việc sở hữu rừng được thể hiện rõ trong toàn bộ nội dung của Luật, trong dự thảo nội dung của Luật mới, Ban soạn thảo có bổ sung một mục về vấn đề này.

Dù những đối tượng chủ rừng được xác định giữ nguyên như luật cũ nhưng quyền và sở hữu rừng được quy định khác đi. Đối với rừng trồng, chủ rừng có 3 quyền là quyền định đoạt, quyền sử dụng và quyền chiếm hữu rừng. Từ “chiếm hữu” ở đây là dùng tương đồng với Điều 104 Bộ luật Dân sự khi quy định về “sở hữu”.

Có thể hiểu nôm na là với 3 quyền này, chủ rừng sẽ được “cởi trói” so với trước đây. Nếu trước đây thì dù rừng là của mình nhưng khi khai thác vẫn phải xin phép chính quyền, thì nay chủ rừng có toàn quyền sử dụng đất rừng và lâm sản miễn là nằm trong quy hoạch của địa phương từ trước...

Trong cuộc họp đầu tiên của Ban soạn thảo Luật BVPTR tuần qua, nhiều ý kiến lo ngại thời gian xây dựng khá gấp có thể ảnh hưởng đến chất lượng của Luật?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Thời gian xây dựng Luật từ khi Chính phủ giao là ngày 29/9/2016 và dự kiến phải gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự kiến ngày 20/12/2016; sau đó trình Chính phủ hồ sơ dự án Luật vào 25/1/2017.

Tuy nhiên, không phải bây giờ Bộ NN&PTNT mới bắt đầu triển khai, nhiều công việc đã tiến hành cách đây 1-2 năm như: Tổng kết Luật BVPTR 2004, bao gồm cả đánh giá của quốc tế; các đánh giá tác động và đề xuất đề cương cũng đã được xây dựng trước...

Cùng với nhóm tư vấn, tổ soạn thảo xác định tinh thần làm việc “bao phủ” thời gian, lấy các mốc thời gian đã ấn định để trừ lùi.

Dự kiến, sang tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ gửi đăng tải dự thảo Luật BVPTR sửa đổi trên Cổng TTĐT Chính phủ để lấy ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan. Hy vọng chúng tôi sẽ nhận được nhiều phản hồi để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ của bộ luật này.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Đỗ Hương - http://baochinhphu.vn/