Ngày 13 tháng 12 năm 2016, tại Khách sạn Bình Minh, thành phố
Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Chương trình
UN-REDD Bình Thuận tổ chức Hội nghị Đánh giá Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng
vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng.
Về dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Mai Kiều, Giám đốc Sở
Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận; đồng
chí Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng; đồng chí
Bùi Sanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV, đồng chí Hoàng Văn Mát,
Điều phối viên hiện trường Chương trình UN-REDD Bình Thuận; đồng chí Nguyễn
Trung Thông, Điều phối viên FAO; lãnh đạo UBND nhân dân các huyện, các đơn vị
kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Lâm
Đồng.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá kết
quả và đề xuất, định hướng một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện
quy chế phối hợp trong thời gian tới.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện quy chế, bước đầu đã đạt
được một số kết quả như: Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền
địa phương, các đơn vị kiểm lâm, công an, quân đội và chủ rừng tại vùng giáp
ranh giữa hai tỉnh được nâng cao; Việc trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình
quản lý bảo vệ rừng cơ bản kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả cho việc lập kế
hoạch tuần tra, truy quét tại vùng giáp ranh. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm
tỉnh Lâm Đồng đến thời điểm hiện tại đơn vị đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản
xử lý 326 vụ vi phạm trong đó xử lý hành chính 324 vụ, xử lý hình sự 2 vụ, tịch
thu 638,40 m3 gỗ tròn xẻ các loại, phương tiện tịch thu: 8 xe ô tô, 80 xe máy,
1 xe máy cày và 5 phương tiện khác.
Bên cạnh các thành quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện
quy chế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; Nhận thức của người dân
tại các vùng giáp ranh còn hạn chế; Việc nắm bắt thông tin về tình hình quản lý
rừng còn hạn chế, đặc việc là việc quản lý hộ khẩu, hộ tịch, rà soát thống kê
các đối tượng đầu nậu, … dẫn đến trao đổi, chia sẻ thông tin chưa được kịp thời
làm giảm hiệu quả trong phối hợp; Sinh kế của người dân tại các vùng giáp ranh
chưa được cải thiện, còn sống phụ thuộc nhiều vào rừng; Vai trò, trách nhiệm của
các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các đơn vị kiểm lâm và chủ rừng tại
vùng giáp ranh còn hạn chế, nhiều nơi thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm;
kinh phí phục vụ công tác phối hợp còn hạn chế.
Từ các vấn đề tồn tại trên, Hội nghị đã đề xuất, định hướng
một số giải pháp trọng tâm sau để thời gian tới thực hiện quy chế hiệu quả hơn.
Thứ nhất: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy
đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và chủ rừng nhằm thực hiện
tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định tại
Quyết định số 07/1012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính Phủ;
Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục
pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ và
phát triển rừng;
Thứ ba: Nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho lực lượng bảo
vệ rừng các cấp, đặc biệt là lực lượng bảo vệ rừng cấp xã và chủ rừng; tăng
ngân sách phục vụ cho công tác bảo vệ rừng; Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi
vi phạm;
Thứ tư: Tiến hành rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, đồng thời
rà soát, hiệu chỉnh biến động về diện tích, ranh giới theo chủ quản lý nhằm đảm
bảo quản lý rừng hiệu quả;
Thứ năm: Đẩy mạnh việc nắm bắt thông tin về tình hình quản
lý rừng, tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, xây dựng kế hoạch và thực hiện
kế hoạch phối hợp hiệu quả;
Thứ sáu: Triển khai đồng bộ các giải pháp như giao đất, giao
rừng; giao khoán quản lý bảo vệ rừng (bằng các nguồn vốn khác nhau); hỗ trợ trồng
rừng sản xuất, …. Nhằm cải thiện sinh kế hộ, nâng cao đời sống người dân tại
các vùng giáp ranh.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Thắng - Chi cục Kiểm lâm vùng IV