Chi cục Kiểm lâm vùng IV ứng dụng công nghệ thông tin và ảnh viễn thám vào trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn khu vực Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ

12/01/2021

Chi cục Kiểm lâm vùng IV là đơn vị trực thuộc Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp được thành lập ngày 27/12/2014 (Quyết định số 5667/QĐ - BNN-TCCB ngày 27/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT) và chính thức hoạt động kể từ ngày 01/02/2015; trụ sở chính đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 345/QĐ-TCLN-TCCB, ngày 29/9/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức của Chi cục Kiểm lâm vùng IV trực thuộc Cục Kiếm lâm, phạm vi hoạt động 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Tp. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Lăk và Đăk Nông.

Khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ gồm 11 tỉnh, thành phố[1] có tổng diện tích tự nhiên 8,794 triệu ha, chiếm 26,57% diện tích toàn quốc, theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2019[2], toàn khu vực có 5,483 triệu ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 3,331 triệu ha rừng tự nhiên, 1,170 triệu ha rừng trồng và 0,982 triệu ha đất chưa có rừng. Độ che phủ rừng toàn vùng bình quân đạt 48,48%. Đây là khu vực có diện tích rừng lớn nhất cả nước, có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói riêng.

Việc ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám phục vụ cho công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp đã được lực lượng Kiểm lâm các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói riêng và toàn quốc nói chung tiếp cận và triển khai thực hiện từ năm 2000, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành lâm nghiệp ngày càng hiệu quả hơn. Ngày nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực lâm nghiệp ngày càng được phát triển theo hướng hiện đại hóa, việc quản lý bảo vệ rừng bằng công nghệ cao, tuy nhiên đối với lực lượng Kiểm lâm các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là giám sát theo dõi diễn biến tài nguyên rừng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, cập nhật diện tích biến động còn hạn chế, nguyên nhân là do: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa đáp ứng đủ (ví dụ như: Máy vi tính cấu hình cao, ảnh vệ tinh có độ phân giải lớn…) dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao, chưa đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay của ngành Lâm nghiệp, Kiểm lâm.

Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám phục vụ cho công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là giám sát theo dõi diễn biến tài nguyên rừng rất hiệu quả, chi phí thấp (phần mềm được trang bị, nguồn ảnh sẵn có không phải mất phí) đang là giải pháp tối ưu giúp cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng tiết kiệm thời gian, chi phí sử dụng. Từ năm 2015 đến nay, Dự án Formis II và dự án JiCa 2 đã xây dựng cho ngành hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp kết hợp với ứng dụng phân tích kiểm soát đảm bảo chất lượng dữ liệu. Mặc dù việc phát hiện, đo đếm và báo cáo diễn biến rừng được các chủ rừng là tổ chức, kiểm lâm địa bàn và các tổ tuần tra rừng cấp thôn bản kết hợp thực hiện tuy nhiên ở mức độ nào đó vẫn còn một số điểm bỏ sót, chưa thống kê và lập biên bản đúng quy định.

Để khắc phục tình trạng báo cáo thiếu, phát hiện sớm cảnh báo mất rừng tại các địa phương. Ứng dụng cảnh báo mất rừng của dự án Jica đang xây dựng và hoàn thiện giúp ta so sánh với số liệu ảnh vệ tinh qua từng thời kỳ + Số liệu diễn biễn rừng + Số liệu hiện trạng rừng hàng năm = tiến hành cập nhật bổ sung, thông báo đến đơn vị quản lý rừng.

Xuất phát từ các vấn đề tồn tại trên, để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế thì việc nghiên ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám đã được Chi cục Kiểm lâm vùng IV triển khai từ lúc thành lập cho đến nay, việc áp dụng công nghệ thông tin giúp ích rất lớn cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi Chi cục Kiểm lâm vùng IV quản lý được hiệu quả nhất.

Chi cục Kiểm lâm vùng IV cùng với Chi cục Kiểm lâm địa phương kiểm tra, đo đếm các diện tích có xảy ra biến động mất rừng

Thông qua việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám đã góp phần năng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ kỹ thuật tại đơn vị, đồng thời trong các năm từ 2017 đến nay đơn vị đã triển khai, phối hợp được 21 lớp tập huấn cho 800 học viên là lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Chủ rừng, đặc biệt vào tháng 11/2019, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp Viện điều tra, Quy hoạch rừng tổ chức lớp tập huấn tại Chi cục Kiểm lâm vùng IV từ ngày 25-27/11/2019, với sự tham dự của 20 học viên phụ trách chính cập nhật theo dõi diễn biến rừng đến từ 11 Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố thuộc phạm vi Chi cục Kiểm lâm vùng IV quản lý.

Đồng chí Hà Công Tài – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn nghiệp vụ theo dõi diễn biến rừng năm 2019.

Vào tháng 12/2019, đơn vị đã cử 01 đồng chí tham gia dự thi sáng kiến cải cách hành chính tại Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm thuyết trình sáng kiến Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã áp dụng vào thực tiễn, đã đạt được những kết quả nhất định với sáng kiến “Ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám trong việc giám sát diễn biến tài nguyên rừng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ” kết quả thuyết trình trước Hội đồng - đạt giải nhất cuộc thi do Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, phát động.

Đồng chí Nguyễn Đình Thắng - Trưởng phòng Nghiệp vụ II - Chi cục Kiểm lâm vùng IV hướng dẫn quy trình theo dõi diễn biến rừng

Việc giám sát, phát hiện sớm các điểm phá rừng, khai thác rừng (gỗ) trái phép trên địa bàn quản lý thông qua việc ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám giúp cho các đơn vị Kiểm lâm trong toàn vùng, kể cả Chi cục Kiểm lâm vùng IV chủ động, nâng cao hiệu quả trong việc kiểm tra, xác minh, ngăn chặn, xử lý kịp thời (biết chính xác vị trí, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí về nhân vật lực); đồng thời giúp cho việc quản lý, giám sát diễn biến rừng và đất lâm nghiệp các đơn vị chủ rừng hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành Lâm nghiệp, Kiểm lâm trong giai đoạn hiện nay.

Vì những hiệu quả mà công nghệ GIS và ảnh viễn thám đã đem lại, trong thời gian tới đề nghị Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm Nghiệp cần quan tâm, nhân rộng hơn nữa các ứng dụng nghiên cứu có tính áp dụng thực tiễn cao, đề xuất các hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để triển khai kinh phí thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Nâng cấp hoàn thiện các lỗi kỹ thuật Phần mềm FRMS - Phiên bản 3.0.6 và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các địa phương để đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất; nhân rộng ứng dụng FRMS mobile của JiCa vì hiện nay công nghệ cao, công nghệ 4.0 sẽ không những hỗ trợ quản lý vĩ mô mà còn lưu trữ dữ liệu vi mô (từng cá thể, từng lô rừng) trên mạng internet và chia sẻ nguồn dữ liệu cho nhiều người cùng sử dụng, thông qua các thiết bị kết nối với internet, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp cho các địa phương trên phạm vi toàn quốc.

Đối với các Chi cục Kiểm lâm địa phương cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư cơ sở vật chất, không chỉ phát triển riêng về ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra quản lý tài nguyên rừng mà còn phát triển các ứng dụng về công nghệ sinh học hiện đại vào chọn tạo giống, nhân giống cây lâm nghiệp và công nghệ chế biến lâm sản. Việc ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ công khai, minh bạch hóa quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc, công khai quy trình công nghệ áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng đạt được đến mức độ nào, thông qua điện thoại thông minh kết nối với các thiết bị trợ giúp dự tính, dự báo các rủi ro thiên tai (sạt lở đất, gió bão đổ ngã cây rừng…), nạn chặt phá rừng, bảo tồn động vật quý hiếm, truy xuất nguồn gốc gỗ, theo dõi tăng trưởng của cây lâm nông nghiệp. Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần tăng hiệu quả của chuỗi sản xuất và thương mại hóa sản phẩm".

Nguồn: Thế Phương – Chi cục Kiểm lâm vùng IV

 

 

[1] Gồm 11 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Lăk và Đăk Nông.

[2] Quyết định số 1423/QĐ-BNN-TCLN ngày 15/4/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019.