Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tập huấn tăng cường kiểm soát buôn bán Ngà voi và các loài hoang dã cho các tỉnh có đường biên giới ở Tây Nguyên.

27/12/2019

Trong những năm gần đây, tội phạm buôn bán động vật, thực vật hoang dã thường xuyên thực hiện các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài hoang dã với tốc độ gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm. Đặc biệt, địa bàn các tỉnh có đường biên giới ở Tây Nguyên với những cửa khẩu, tuyến đường bộ và địa hình phức tạp luôn tiềm ẩn những hoạt động vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã luôn đặt ra những thách thức đối với các cơ quan thực thi. Do đó, việc cập nhật kiến thức và trang bị những kỹ năng cần thiết cho các cán bộ thực thi pháp luật là một trong những nội dung quan trọng và thiết thực góp phần bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã của thiên nhiên Việt Nam.

Toàn cảnh khoá tập huấn

Trong 3 ngày (từ ngày 25 - 27/12/2019), tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức tập huấn tăng cường kiểm soát buôn bán Ngà voi và các loài hoang dã cho các tỉnh có đường biên giới ở Tây Nguyên với sự tham dự của 50 học viên là cán bộ, công chức đang làm công tác kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã tại các cơ quan Kiểm lâm, Hải quan, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước.

Tại buổi học, cán bộ của Tổ chức WWF, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam, Cục Kiểm lâm, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05), Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật đã phổ biến cho các học viên nắm vững những nội dung như sau:

1. Buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã trên Thế giới, khu vực, Việt Nam và Tây Nguyên.

2. Giới thiệu Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc Lâm sản.

3. Giới thiệu về Cites và thực thi Cites ở Việt Nam.

4. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thực thi Cites; Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

5. Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/04/2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.

6. Điều 244 Bộ Luật hình sự 2015, những vướng mắc và giải pháp trong xử lý tang vật.

7. Nhận dạng loài Cites và các loài được pháp luật bảo vệ thường xuyên bị buôn bán.

8. Nhận dạng Ngà voi, sừng tê giác, xương hổ, vảy tê tê và giới thiệu các tài liệu nhận dạng.

Ngoài ra, các đại biểu sẽ thảo luận về buôn bán động vật hoang dã và thách thức trong thực thi pháp luật tại các tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm trong đánh án, khởi tố hình sự, xử lý tang vật các vụ vi phạm.

Sau khi kết thúc khoá tập huấn, các học viên cơ bản nắm rõ về tình trạng buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã đặc biệt là Ngà voi tại các khu vực trên Thế giới, Việt Nam và các tỉnh Tây Nguyên; Hiểu và áp dụng được Nghị định 06/2019/NĐ-CP; Nghị định 35/2019/NĐ-CP và một số điều trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi 2017 trong công tác chống buôn bán trái phép Ngà voi và các loài động vật hoang dã; Nhận dạng được các sản phẩm làm từ Ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và một số loài động vật hoang dã bị buôn bán trên thị trường; Xử lý tang vật thu giữ, xử lý vi phạm theo quy định mới của pháp luật; Hiểu công ước Cites là gì, Công ước hoạt động như thế nào và vai trò của từng cơ quan thực thi pháp luật trong giám sát việc buôn bán quốc tế các loài hoang dã tại địa phương./.

Bài, ảnh: Trần Hà – Chi cục Kiểm lâm vùng IV