Thực hiện văn bản số 187/CV- PHĐHNL-TTNLN ngày 13/10/2020 của Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng nai về việc đề nghị Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp tham gia giảng dạy khóa tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng tổ chức tại tỉnh Đăk Lăk.
Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã cử cán bộ phụ trách nghiệp vụ phối hợp với Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tập huấn công cụ ứng dụng cảnh báo mất rừng tại webside http://canhbaomatrung.kiemlam.org.vn/ do dự án JiCa SNRM xây dựng và hỗ trợ tại Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk từ ngày 19 - 23/10/2020, với sự tham dự của 41 học viên phụ trách kĩ thuật đến từ 11 Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng, công ty Lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Toàn cảnh lớp tập huấn nghiệp vụ theo dõi diễn biến rừng
Ngoài các nội dung hướng dẫn của giảng viên Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp đã giới thiệu như: Hướng dẫn quy trình kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Giới thiệu chung về bản đồ, lưới chiếu và hệ tọa độ; Cách sử dụng GPS và smart phone trong điều tra, theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng)
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã trực tiếp hướng dẫn thao tác sử dụng phần mềm QGIS; Giới thiệu các loại ảnh vệ tinh viễn thám hiện nay đang sử dụng và ứng dụng công cụ cảnh báo mất rừng của dự án JiCa - SNRM.
Việc xác định biến động mất rừng dựa trên phần mềm JiCa hỗ trợ theo trình tự các bước như sau:
+ Bước 1: Đăng nhập vào link http://canhbaomatrung.kiemlam.org.vn/.
+ Bước 2: Sử dụng ứng dụng do dự án JiCa 2 tài trợ, người dùng tiến hành nhập trường thông tin cần thiết vào ứng dụng, bao gồm:
1) Chọn địa bàn quan tâm: Chọn tỉnh, huyện, xã mà bạn quan tâm; 2) Chọn ảnh vệ tinh cho kỳ trước 3) Chọn ảnh vệ tinh cho kỳ sau. Lưu ý: Nên chọn thời gian ảnh không nhỏ hơn 16 ngày và không dài hơn 180 ngày); Chọn thời gian của kỳ trước và kỳ sau tương đồng về mặt thời gian; Khi giải đoán với loại kiểu rừng rụng lá cần thận trọng hơn về thời gian rụng lá (vì dễ nhầm với đất trống). Tiếp tục, tiến hành chạy ứng dụng phân tích biến động, kết quả đạt được là thu thập được các vùng biến động nghi là mất rừng (thay đổi về giá trị NDVI thảm phủ thực vật rừng) – xuất dưới dạng file vector (geoson).
+ Bước 3: Sử dụng các phần mềm GIS bao gồm: MapInfo, Qgis, Google earth Pro và Globalmaper (Thao tác chủ yếu trên Qgis). Sử dụng ảnh vệ tinh Landsat (tổ hợp Band 2, 3, 4 và 8) hoặc trên ảnh Santanel (tổ hợp Band 4, 8 và 11) để xác định rõ vùng đất trống; Sử dụng phần mềm Google earth Pro để xác định hay đối chứng thêm về dữ liệu ảnh vệ tinh đầu kỳ theo từng thời gian (ảnh GE rất rõ). Chỉ ra địa hình địa vật để đi tới hiện trường. (lưu ý ảnh GE thường thời gian không được cập nhật mới với thời điểm hiện tại - tùy từng khu vực); Sử dụng phần mềm chuyển đổi hệ tọa độ để người đi kiểm tra có thể dễ dàng đi tới như phần mềm Global Maper… Tiến hành chồng xếp các lớp để xác định vùng biến động rừng, từ đó xuất điểm vị trí trung tâm vùng biến động.
+ Bước 4: Kết xuất file excel bao gồm: Vị trí lô, khoảnh, tiểu khu, chủ rừng ,vị trí tọa độ X Y, diện tích biến động, địa điểm biến động…. để tiến hành kiểm tra xác minh đối chiếu ngoài thực địa.
Đ/c Nguyễn Hoài Dương – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT trao giấy khen cho các học viên đạt thành tích xuất sắc
Kết thúc khóa tập huấn, các học viên thuộc lực lượng Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tỉnh Đăk Lăk đã cơ bản nắm được quy trình theo dõi diễn biến rừng theo Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ứng dụng cảnh báo biến động rừng do dự án JiCa 2 tài trợ, ảnh viễn thám để theo dõi, giám sát khu vực có biến động, cập nhật diễn biến rừng đạt hiệu quả.
Nguồn: Lương Thế Phương – Phòng Nghiệp vụ II