Luật Lâm nghiệp tạo khuôn khổ pháp lý trong hoạt động lâm nghiệp, tuân thủ chặt chẽ và vận dụng một cách linh hoạt vào thực tiễn, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã tạo nên những dấu ấn trong việc thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm vùng IV gặp gỡ người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (ảnh: TP)
Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Chi cục) được thành lập và đi vào hoạt động năm 2015, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chi cục cùng với các địa phương trong vùng chủ động triển khai quyết liệt nhiều biện pháp dựa trên tinh thần Luật Lâm nghiệp. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2021, toàn khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 11 tỉnh, thành phố có tổng diện tích tự nhiên 8,789 triệu ha, chiếm 26,57% diện tích toàn quốc, với khoảng 14,5 triệu dân, toàn khu vực có 5,315 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng 4,522 triệu ha, bao gồm: 3,236 triệu ha rừng tự nhiên và 1,287 triệu ha rừng trồng. Độ che phủ rừng toàn vùng bình quân đạt 48,70%. Hiện toàn vùng có 177 đơn vị chủ rừng gồm: 8 Vườn quốc gia, 17 Khu bảo tồn thiên nhiên, 11 Ban quản lý rừng đặc dụng, 75 Ban quản lý rừng phòng hộ và 66 Doanh nghiệp Nhà nước (Cty Lâm nghiệp). Đây là khu vực có diện tích rừng lớn nhất cả nước, có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói riêng. Chi cục đã sớm kiện toàn bộ máy tổ chức, cũng như về mặt chuyên môn, luôn chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản, hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, tích cực triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững. Chính vì lẽ đó mà trong hoạt động đã tạo nên những “Dấu ấn” như:
Dấu ấn đầu tiên là thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về lâm nghiệp: Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án có liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang các mục đích khác; Dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2016 - 2020; Phương án điều tra, thu thập số liệu các chỉ tiêu thống kê quốc gia về lâm nghiệp; Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp khôi phục, phát triển hệ sinh tái rừng khộp Tây Nguyên…Trong giai đoạn hiện nay đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ vào sự quan tâm, chia sẻ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và ý thức người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng từng bước được nâng cao; nhiều mô hình bảo vệ và phát triển rừng được hình thành góp phần khôi phục diện tích rừng; tạo việc làm, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng tại các địa phương.
Thứ hai về truyền thông quản lý nhà nước về lâm nghiệp: Theo đó, hàng năm ngay từ đầu năm Chi cục đã xây dựng các kế hoạch để phối hợp thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Phối hợp Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV2 và VOV) xây dựng phóng sự truyền thông về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm nâng cao ý thức cộng đồng dân cư tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ; tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 13-CT/TW về công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chị thị 13, Nghị quyết ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Nghị quyết đảng ủy Tổng cục Lâm nghiệp; tuyên truyền lưu động bằng nhiều thứ tiếng (Kinh, Ê đê, M’Nông, Jrai,…) cho 94 xã trong vùng, cấp phát 10.390 tờ rơi, 15.950 tờ Poster, 21 đĩa CD cho 12.000 lượt người và 2.413 lượt học sinh tham gia để nâng cao vai trò, tác dụng của rừng đối với môi trường, kinh tế, xã hội. Đặc biệt là việc suy thoái tài nguyên rừng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn hán,...
Thứ ba về công tác phối hợp tập huấn nghiệp vụ: Để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng. Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trong khu vực; Ban chỉ đạo Chương trình 886; Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II; Viện Điều tra, Quy hoạch rừng; Tổ chức WCS, Tổ chức bảo tồn Rùa Châu á; Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt Đới (Tropenbos); Dự án Jica II tỉnh Quảng Ngãi và Dự án UN-RED tổ chức 73 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 3.270 lượt người tham gia.
Thứ tư về công tác phối hợp trao đổi thông tin và xử lý thông tin: Chi cục đã phối hợp các Chi cục Kiểm lâm địa phương xác định được toàn vùng có 1.446.814,07 ha rừng dễ có nguy cơ xảy ra cháy và 828.291,87 ha rừng có nguy cơ dễ xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác rừng trái phép. Tăng cường sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin như ứng dụng công nghệ GIS, ảnh viễn thám (Planet, Sentinel..), cảnh báo mất rừng của Cục Kiểm lâm (Jica) để theo dõi, giám sát diễn biến, phát hiện sớm các điểm mất rừng để cung cấp, chia sẻ thông tin cho các địa phương, các chủ rừng chủ động thực hiện các biện pháp nhằm kịp thời ngăn ngừa, chữa cháy rừng.
Trong thời gian cao điểm về cháy rừng, Chi cục thành lập các tổ thực hiện phối hợp, hỗ trợ để trực, tham gia ứng cứu khi xảy ra cháy rừng. Kết quả phối hợp, hỗ trợ cùng lực lượng phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên và chính quyền địa phương tham gia ứng cứu chữa cháy 15 vụ cháy rừng với diện tích 310,19 ha.
Chi cục Kiểm lâm vùng 4 phối hợp chữa cháy rừng tại tỉnh Quảng Nam (ảnh:CĐ)
Ngoài ra Chi cục tổ chức huấn luyện diễn tập chữa cháy rừng cấp vùng trên hiện trường tại tiểu khu 118 xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với quy mô 5 ha. Thành phần tham gia, phối hợp là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với 368 người tham gia. Đơn vị xác định rất rõ đây là một trong những hoạt động nghiệp vụ có tính thực tiễn cao trong các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giúp cho việc vận dụng, thực tế hóa các tình huống trong phương án PCCCR, vì thế vừa có tác dụng cho công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy, vừa huấn luyện cho các lực lượng chữa cháy các cấp làm quen với việc chữa cháy rừng.
Thứ năm công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác lâm nghiệp theo kế hoạch các tỉnh trong khu vực: Chi cục phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành để nắm bắt theo dõi công tác lâm nghiệp trong đó chú trọng việc quản lý gây nuôi động vật hoang dã, hoạt động mua bán động vật hoang dã và dẫn xuất của chúng có nguồn gốc trái phép trên địa bàn khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Thứ sáu công tác hỗ trợ các đơn vị tổ chức truy quét các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép: Chi cục chủ động lập kế hoạch, tổ chức trinh sát, nắm tình hình và tham gia phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, các VQG: Biduop Núi Bà, Chư Yang Sin, Chư Mom Ray và Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim truy quét các trọng điểm xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép tại vùng giáp ranh giữa các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định...phát hiện nhiều vụ khai thác, cưa xẻ gỗ trái phép có quy lớn như vụ khai thác, cưa xẻ gỗ trái phép tại khoảnh 1, khoảnh 5 tiểu khu 188 lâm phần Vườn Quốc gia Chư Mom Ray quản lý và tiểu khu 188A lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hồi quản lý thuộc ranh giới hành chính xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có 118 cây gỗ bị khai thác trái phép, khối lượng 440,02m3 gỗ tròn và quy tròn các loại; vụ cất giấu gỗ trái phép tại ven lòng hồ thủy điện EaKrông Rou thuộc lô 7 khoảnh 1 tiểu khu 66, tang vật gồm 252 phách, hộp gỗ xẻ hộp các loại có tổng khối lượng 42,441 m3, gỗ từ nhóm II-VI; vụ khai thác trái pháp luật tại tiểu khu 1219 thuộc địa giới hành chính xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý phát hiện có 09 cây gỗ Pơ mu (nhóm IIA) bị khai thác trái pháp luật với khối lượng gỗ là 9,442m3... các vụ vi phạm trên đã bàn giao cho Chi cục các địa phương điều tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
Đội Kiểm lâm CĐ&PCCCR kiểm tra, phát hiện khai thác gỗ trái phép (ảnh: TD)
Thứ bảy về công tác phối hợp đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng: Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, Đội đặc nhiệm Cục Kiểm lâm, Cục A86 Bộ Công an, PA81 Công an tỉnh Đắk Lắk, BCH Bộ đội Biên phòng và các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ và xử lý 207 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Lâm sản tịch thu 4.758 m3 gỗ tròn, xẻ các loại và 37,3 kg sản phẩm động vật hoang dã các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách 5.121.511.000 đồng (toàn bộ các vụ vi phạm trên đều bàn giao cho Chi cục các địa phương xử lý theo quy định pháp luật).
Như vậy, với sự cố gắng nỗ lực, thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển lâm nghiệp và 50 năm thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2023). Trong những năm qua, tập thể và cá nhân Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã được Chính phủ, các cấp, các ngành ghi nhận tặng khen thưởng như: Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen Bộ NN&PTNT, Giấy khen Tổng cục Lâm nghiệp, Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk…
Khó khăn, vướng mắc giải pháp cần tháo gỡ
Công tác bảo vệ rừng trong toàn vùng về cơ bản đã có sự chuyển biến tích cực, việc thực thi pháp luật về lâm nghiệp trong thời gian qua đã được tăng cường, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại tại khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và còn cao. Do đó, để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế- kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng. Tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,0% đến 5,5%/năm, đưa độ che phủ rừng toàn quốc đạt 42% đến 43%; đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng một Việt Nam Xanh cần có các giải pháp, sự tham gia của các cấp để tháo gỡ cho địa phương các quy định pháp luật và cơ chế, chính sách…
Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững như: Ứng dụng công nghệ thông tin bảo vệ và phòng chống cháy rừng; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với các quy định của pháp luật Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch và Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025; Xây dựng và thực hiện Quy hoạch cấp tỉnh (các nội dung về lĩnh vực lâm nghiệp) gắn với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững của các địa phương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; Các Đề án, Dự án trọng tâm của ngành đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các chính sách, pháp luật hiện hành; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 Ban Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 Ban Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hiện nay diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý còn lớn. Công tác quản lý đối với các diện tích này gặp nhiều khó khăn như không có kinh phí rà soát, đánh giá thực tế hiện trạng để có số liệu chính xác, không phân định, cắm mốc ranh giới rừng trên thực địa. Chưa có giải pháp xử lý hiệu quả đối với diện tích chưa có rừng đang bị dân xâm canh sản xuất nông nghiệp. Diện tích này chưa thực sự được quản lý, sử dụng hiệu quả, do đó cần thực hiện điều tra, đánh giá để xác định được thực trạng quản lý, sử dụng, cơ cấu đất sản xuất nông nghiệp, các nhân tố về kinh tế - xã hội, môi trường và chính sách, pháp luật liên quan có tác động, ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp… thì mới có đề xuất giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sinh kế bền vững của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.
Trong sản xuất nông lâm kết hợp hiện chưa có quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật hướng dẫn, cụ thể là phương thức trồng, mật độ, tỷ lệ trồng xen giữa các loài cây trồng…do vậy trước mắt có thể xem xét công bố thêm một số loài cây là cây đa mục đích có đặc điểm thực vật, sinh thái tương tự như cây cao su được trồng phổ biến tại các địa phương trong vùng như: Sầu riêng, mít, bưởi, vải, nhãn… với phương thức kỹ thuật trồng xen giữa các loài cây có thể theo tỷ lệ 50-50…
Một số chính sách của Nhà nước cho hoạt động bảo vệ rừng, đầu tư trồng rừng còn thấp, chưa tương xứng với mức đầu tư thực tế hiện nay. Ví như đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 30 triệu đồng/ha, nhưng thực tế định mức đầu tư trồng loại rừng này hết khoảng 90 triệu đồng/ha. Đối với trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán mức hỗ trợ hiện khoảng 7 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ (khảng 5 năm), trong khi đó thực tế đầu tư khoảng 40 triệu đồng/ha, do đó chưa huy động, thu hút các nguồn lực tham gia phát triển rừng.
Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của vùng, như tình trạng dân di cư tự do, kinh phí đầu tư thực hiện các hoạt động lâm nghiệp còn chưa đầy đủ. Việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật tại các địa phương còn nhiều khó khăn vướng mắc dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao…
Do vậy đòi hỏi tiếp tục phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân, có như vậy mới phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng và an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.
Thực hiện: Tống Ngọc Chung - Nguyễn Thị Hòa Bình