Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Hà Công Tuấn
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn khi trao đổi với
Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) về công tác bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng
trước tình trạng rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm hết sức nghiêm trọng.
“Điểm nóng” Tây Nguyên
Rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm
nghiêm trọng cả về diện tích, chất lượng, thậm chí nhiều khu vực đã không còn
rừng, theo Thứ trưởng đâu là nguyên nhân?
- Đúng là rừng ở Tây Nguyên đã bị
suy giảm rất nghiêm trọng cả về diện tích lẫn chất lượng. 5 năm qua, diện tích
rừng của khu vực này đã giảm tới 6,1%, đưa độ che phủ của rừng từ 51,8 % xuống
chỉ còn hơn 45%. Đặc biệt, chất lượng rừng nhất là trữ lượng gỗ đã giảm
tới 17,4 %. Tình hình phá rừng ở nhiều nơi phải nói là rất nghiêm trọng.
Trước yêu cầu phát triển bền vững
của chính Tây Nguyên, nhiều năm qua Nhà nước cũng như Bộ NN&PTNT đã có
nhiều giải pháp, có nhiều chỉ đạo nhưng kết quả bảo vệ rừng ở đây là chưa tốt.
Có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn tới
tình trạng mất rừng ở Tây Nguyên. Thứ nhất, do việc chuyển mục đích sử dụng
rừng để xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng như: thủy điện, thủy lợi, giao
thông kể cả các công trình tái định canh, định cư và chuyển cho các dự án phát
triển kinh tế -xã hội của khu vực. Nguyên nhân này chiếm khoảng hơn 31%
diện tích bị mất trong 5 năm qua.
Nguyên nhân lớn thứ hai được chỉ
ra là do hành vi phá rừng trái pháp luật để lấy đất sản xuất trước sự cạnh
tranh của các cây nông sản hàng hóa khác. Và thậm chí là phá rừng để lấy đất
sang nhượng trái pháp luật. Nhóm nguyên nhân này chiếm khoảng 29%.
Gần đây, trong quá trình tác
nghiệp để viết loạt bài “Nhức nhối nạn khai thác rừng, trái phép tại huyện
Tumơrông, tỉnh Kon Tum”, phóng viên Báo PLVN đã thu thập nhiều bằng chứng cho
thấy nạn khai thác gỗ trái phép đang diễn ra một cách rầm rộ, công khai tại Tây
Nguyên. Thứ trưởng có đánh giá gì về phản ánh của báo chí?
- Tôi cũng đã đọc khá nhiều bài
trên cả báo giấy và báo hình phản ánh về tính trạng phá rừng ở một số nơi của
Tây Nguyên hiện nay. Tôi đã trực tiếp đọc liên tục 2 số báo của Báo PLVN. Trước
hết, tôi rất hoan nghênh, đánh giá cao phản ánh của Báo, tác nghiệp của các
phóng viên này. Tôi cho rằng đây là những việc làm rất dũng cảm. Việc phá rừng
là có tổ chức và các đối tượng phá rừng rất manh động, chúng sẵn sàng đe dọa
tính mạng đối với người thi hành công vụ, kể cả với phóng viên báo chí.
Sau khi báo chí phản ánh, tôi đã
làm việc với cả lãnh đạo ngành nông nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên. Tôi nói rất
rõ về những thực trạng mà các cơ quan thông tấn báo chí đã nêu. Tôi nói đây là
những biểu hiện có thật ở Tây Nguyên hiện nay. Tôi đề nghị các địa phương cần
phải tổ chức điều tra làm rõ những cá nhân có hành vi vi phạm để trừng trị, xử
lý nghiêm khắc. Ở một số tỉnh, lãnh đạo tỉnh cho tôi biết là họ đã giao cho cơ
quan Công an điều tra để làm rõ hành vi phá rừng mà Báo nêu.
Nhưng cùng với xử lý nghiêm chúng
ta cũng phải vận động bà con giữ rừng. Tôi có đến một số nơi ở Tây Nguyên, tôi
hiểu rằng đa số bà con không bằng lòng với hành vi phá rừng. Và bà con chính là
những người giúp đỡ, bảo vệ phóng viên để tìm hiểu được sự thật về vấn nạn phá
rừng hiện nay.
Thưa Thứ trưởng, được biết, ngành
Lâm nghiệp có đặt mục tiêu trong năm 2016 sẽ giảm 20% số vụ vi phạm và diện
tích rừng bị thiệt hại so với năm 2015, vậy các vụ phá rừng đang diễn ra ở Tây
Nguyên có tính chất cá biệt hay không? Và liệu mục tiêu đề ra như vậy có đạt
được trên bình diện cả nước?
- 5 năm qua, độ che phủ, sản
lượng gỗ, xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản đều tăng. Trong khi nhập khẩu nguyên
liệu gỗ thì lại giảm xuống. Diện tích rừng trồng và sản lượng gỗ trong nước
tăng lên đã đóng góp nhiều cho xuất khẩu. Nhưng cá biệt, khu vực Tây Nguyên lại
giảm cả về diện tích lẫn chất lượng. Tây Nguyên không giữ được rừng có ảnh
hưởng trực tiếp đến tăng trưởng chung của ngành.
Tôi muốn nói, 5 năm qua, số vụ vi
phạm về rừng giảm 15-17%/năm. Đặc biệt, diện tích rừng bị thiệt hại, giảm sâu
hơn trên 20%/năm. Năm nay, với quyết tâm tập trung vào khu vực Tây Nguyên, bằng
các biện pháp mạnh tay chúng tôi hy vọng sẽ làm giảm sâu hơn con số này. Và
trọng tâm của ngành Lâm nghiệp trong 5 năm tới cũng đã xác định tập trung ổn
định được tình hình ở Tây Nguyên.
Cơ chế nào để giữ rừng?
Như ông nói, tình hình vi phạm về
rừng tuy có giảm nhưng còn nghiêm trọng, vậy giải pháp của Bộ NN&PTNT đưa
ra là gì?
- Chúng tôi sẽ tập trung vào giải
quyết 2 nhóm nguyên nhân chính được xác định đã làm mất rừng ở Tây Nguyên. Bộ
NN&PTNT đã trình với Thủ tướng một số giải pháp trước mắt.
Thứ nhất, dừng toàn bộ việc
khai thác gỗ rừng tự nhiên và dừng toàn bộ việc chuyển mục đích rừng tự nhiên
để sang làm các công trình khác (trừ các công trình quốc phòng an ninh) với mục
đích là giữ được rừng tự nhiên còn lại hiện nay.
Thứ hai, đề nghị Nhà nước có các
dự án để khôi phục và phát triển rừng Tây Nguyên. Trong đó bao gồm chính sách
cho người bảo vệ rừng và chính sách phát triển trồng rừng mới. Phải làm sao từ
nay đến năm 2020 chúng ta quyết tâm khôi phục được độ che phủ khoảng 50% ở khu
vực Tây Nguyên, tức xấp xỉ ngưỡng che phủ rừng của khu vực này cách đây 5 năm.
Thủ tướng Chính phủ sắp có buổi
làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về cơ chế, chính sách bảo vệ, khôi phục và
phát triển rừng và trong chuyến công tác mới đây của Thứ trưởng, lần đầu tiên
Bộ NN&PTNT có đề cập tới “cơ chế đặc thù” để bảo vệ rừng cho Tây Nguyên,
Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về đề xuất này?
- Bộ NN&PTNT đã đề nghị và
được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sẽ mở hội nghị chuyên đề về bảo vệ, khôi phục
và phát triển rừng Tây Nguyên. Về cơ chế đặc thù với Tây Nguyên là mong muốn
hay gợi mở mang tính chủ quan của chúng tôi. Còn đề xuất này có thành hay không
thì còn phải chờ hội nghị sắp tới quyết định.
Theo đề xuất của chúng tôi, cơ
chế đặc thù cho Tây Nguyên trước hết là chính sách khoán. Rừng ở Tây Nguyên chủ
yếu là rừng tự nhiên nên muốn giữ rừng thì khoán làm sao đó để người nhận khoán
phải có thu nhập. Cùng với thu nhập bằng sự hỗ trợ của ngân sách hiện nay thì vấn
đề cơ bản và quan trọng nhất là phải có cơ chế sử dụng nguồn tài nguyên lớn này
làm sao cho nó bền vững. Nhưng sử dụng nguồn tài nguyên rừng tự nhiên không
phải là vào rừng chặt gỗ mà vấn đề là ở các chính sách về dịch vụ môi trường
rừng được khai thác như thế nào.
Cơ chế đặc thù cho Tây Nguyên,
thậm chí phải chấp nhận cơ chế có quỹ đất với một tỷ lệ nhất định để tạo điều
kiện cho người nhận khoán có thể sản xuất, làm ăn sinh sống được. Người ta có
thu nhập, có cái ăn hàng ngày thì mới mong giữ được cái dài ngày. Còn cứ ngồi
một chỗ chờ vào “bầu sữa” ngân sách thì tiền Nhà nước lấy đâu ra cho đủ.
Nhưng nếu cứ cho người dân cơ chế “lợi dụng” tài nguyên tự nhiên để kiếm
thu nhập thì chúng ta lại tiếp tục rơi vào cái vòng luẩn quẩn: Dân chặt phá rừng
để sinh sống và Nhà nước “căng” ra đi bảo vệ, khôi phục.
Ngoài ra, hiện nay ở Tây Nguyên
không có cơ sở chế biến gỗ rừng trồng. Đây là một khoảng trống và Nhà nước cần
có chính sách phát triển hệ thống này. Chính sách này không chỉ làm ra
hiệu quả kinh tế mà còn tạo được đầu ra ổn định cho sản xuất của người dân để
từ đó họ có thể yên tâm mà trồng rừng.
Nói suông không giữ được rừng
“Chỉ nói chuyện suông là “cấm ông
không được vào rừng” thì không thành công. Lâu nay chúng ta cấm, cấm mãi cuối
cùng có được đâu, thành ra nhiều nơi có thể nói là kỷ cương rất lỏng lẻo. Vì
thế tôi muốn nói là phải thực hiện đúng pháp luật, nghiêm túc, quy rõ trách
nhiệm của chủ rừng, của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng. Chúng ta
không thể cứ để mãi tình trạng phá rừng ngang nhiên như thế này ở một số nơi mà
chúng ta gần như là bất lực, không được xử lý cho nghiêm túc”- Thứ trưởng Bộ
NN&PTNT Hà Công Tuấn.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguồn:Báo Pháp luật Việt Nam
Web: http://tongcuclamnghiep.gov.vn/