Rừng tại lâm phần Ban Quản lý
rừng phòng hộ Ia Rsai bị lâm tặc “rút ruột” công khai. Tại lô 1, khoảnh 7, tiểu
khu 1321 gỗ hộp nằm trải dài theo suối Thác Trắng. Lán trại mọc lên, xăng dầu,
xe độ chế được tập kết và cả phụ nữ… phục vụ cho việc phá rừng lâu dài. Có
điều, tỉnh Gia Lai không hề hay biết vì nhận được báo cáo thiếu trung thực của Sở
NNPTNT.
Lán
trại của lâm tặc với trang bị, dự trữ cưa lốc, xăng dầu, nồi niêu xoong chảo và
cả phụ nữ. Ảnh: Đ.V
Bán rừng cho… lâm tặc (?)
Tiểu khu 1321 đã nằm ngoài báo
cáo 290 của Sở NNPTNT Gia Lai, gỗ chưa bị tẩu tán. T – người dẫn đường cùng PV
Lao Động tiếp tục băng rừng, lội suối lần 2. Cũng như lần trước, lâm tặc ung
dung chở gỗ ra bìa rừng mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ lực lượng chức
năng. Nguyên sơ, rừng chằng chịt cây cối, dây leo theo thời gian con đường mòn
tự hình thành do xe độ chế “cày xới”. Vệt bánh xe in sâu, hằn lún con đường. Để
vào tiểu khu 1321 phải qua 8 đoạn suối, dốc trơn trượt, ngoằn ngoèo nhưng lâm
tặc vẫn “xé” gió lao đi. Nói như T, rừng bị phá nhiều năm, nên lâm tặc đã “nằm
lòng” địa hình, vững tay lái. Càng gần tiểu khu, bột cưa, cành, bìa, ngọn cũ…
đã hiện ra.
Tiến thêm 1km, vỏ bìa, mùn cưa
rải một màu vàng – gỗ vừa bị xẻ hộp – nằm chồng nhau, vương vãi khắp nơi. Vùng
lõi tiểu khu 1321 hiển hiện, hàng chục lóng gỗ hộp dài 3-4m, rộng 60 – 80cm nằm
la liệt dưới suối. Gốc cây 2-3 người ôm bị cưa lốc phạt ngang, nhựa rỉ tươi
mới. Những cây gỗ lớn dài 7m chưa bị xẻ phách nằm ngã rạp cả khu vực. Lâm tặc
công khai tìm cây to, gỗ tốt chặt phá như là của riêng, chẳng hề đề phòng. Vỏ
can xăng (loại 20 lít), dầu nhớt “tiếp tế” cho cưa lốc nằm lăn lóc “ngụ ý”:
Rừng đã được bán cho lâm tặc (!?). Gỗ xẻ thành hộp chưa kịp tuồn ra rừng đã
chuyển màu nâu, nằm xen lẫn với hộp gỗ màu vàng. Gỗ bị chặt hạ trải dài theo
một khúc suối Thác Trắng, mà theo T chủ yếu là gỗ sao thuộc loại quý (nhóm II).
Ngày càng rầm rộ và ngang nhiên
Tại đây, T ra hiệu giáp mặt lán
trại của lâm tặc. Lán được phủ bằng nhiều tấm bạt, bên ngoài giăng đầy áo quần.
Nồi niêu xoong chảo, cưa lốc, xăng dầu, dao rựa được trang bị đầy đủ. Trong
lán, 8 chiếc võng “dã chiến” móc sẵn, 3 người phụ nữ nằm đong đưa, thấy “động”
một người mất hút vào rừng. Theo T, phụ nữ ở đây vừa kiêm nấu ăn, vừa vận
chuyển gỗ. Cách đó 30m, một bãi tập kết gỗ với nhiều lóng, khúc gỗ và xe máy độ
chế đang chờ được xuất đi. Trên một thân cây, nhân viên Ban QLRPH Ia Rsai đánh
dấu L1, K7, 1321 (lô 1, khoảnh 7, tiểu khu 1321). Điều này khẳng định, cán bộ
Ban QLRPH Ia Rsai đã “từng qua lại”.
Sau khi ghi lại cảnh phá rừng, PV
bám theo hai chiếc xe máy độ chế chở đầy gỗ lao ra phía bìa rừng. Hai lâm tặc
cho biết, từ Phú Yên lên Gia Lai “làm gỗ”, cứ hai ngày làm một chuyến, bỏ túi
15 – 20 triệu đồng/ tháng. Mỗi ngày, hàng trăm lượt xe độ chế cõng gỗ đủ thấy
độ tàn phá rừng tại đây khủng khiếp thế nào.
Sau khi “copy” hình ảnh, clip làm
chứng cứ, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa – Tô Văn Chánh thẳng thắn: “Cảm ơn báo
Lao Động! Mình sẽ cử CA, Hạt KL huyện vào cuộc xử lý ngay”. Ông Chánh tỏ ra bất
ngờ khi hàng loạt văn bản chỉ đạo bảo vệ rừng phát đi nhưng… không hiểu sao
rừng bị tàn phá như thế. Báo cáo số 1343/UBND-NC ngày 30.10.2015 của huyện
Krông Pa – trước thời điểm bài viết “Kiểm lâm bất lực nhìn lâm tặc xẻ gỗ tại
Gia Lai” (đăng ngày 10.12.2015) – nhìn nhận việc phá rừng rất phức tạp.
“Thời điểm hiện nay trên địa bàn
các xã: Ia Rsai, Uar, Chư Drăng, Ia Rmook, Ia Mlah nạn khai thác lâm sản diễn
ra rầm rộ, ngang nhiên. Khoảng thời gian vào buổi tối không khó để bắt gặp từng
đoàn xe mô tô độ chế chở gỗ nối đuôi nhau chạy về các khu dân cư để bán cho các
“đầu nậu” gom hàng để xuất bán ra khỏi địa phương. Tuy nhiên, lực lượng chức
năng hầu như không thấy xuất hiện và nếu có thì cũng như làm ngơ để cho lâm tặc
ngang nhiên chạy qua”, trích dẫn báo cáo số 1343.
Thế nhưng, báo cáo số 290 của Sở
NNPTNT gửi UBND tỉnh Gia Lai ngang nhiên cho rằng: “Việc phá rừng không nghiêm
trọng, nhỏ lẻ. Đối tượng phá rừng là người đồng bào dân tộc thiểu số lén lút
khai thác gỗ về làm trụ hàng rào, không có mục đích mua bán, không có đại lý
thu mua gỗ”. Không chỉ báo cáo “láo” UBND tỉnh, đổ lỗi cho người dân tộc thiểu
số nghèo, sở này còn bao che cho cấp dưới (Hạt KL, Ban QLRPH Ia Rsai) tiếp tay,
mở đường cho lâm tặc phá rừng Krông Pa. Thế nên, cuộc chiến chống lâm tặc của
huyện Krông Pa cũng vì thế “đổ sông đổ biển”. Cả hệ thống mang danh quản lý,
bảo vệ lại “đi đêm” với lâm tặc thì rừng sẽ mất, có điều người dân nhìn thấy
còn Sở NNPTNT Gia Lai thì không (!).
Nguồn : Báo tin tây nguyên
Web: http://www.tintaynguyen.com/