Chi cục Kiểm lâm vùng IV tham dự lễ công bố Quyết định triển khai Mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói KHÔNG với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật” giai đoạn 2024 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

13/08/2024

Để hưởng ứng Ngày Voi Thế giới 2024, ngày 11/8/2024 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UB MTTQ) tỉnh Đắk Lắk và Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố Buôn Ma Thuột chính thức công bố Quyết định triển khai Mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói KHÔNG với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật” giai đoạn 2024 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) và sản phẩm từ ĐVHD  trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sáng kiến này được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ thông qua dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp (Dự án), chủ dự án là Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (MBFP)-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Nhiên nhiên (WWF) là đơn vị triển khai thực hiện.

Theo giấy mời vào ngày 06/8/2024 của Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã tham dự lễ công bố quyết định cùng với hơn 200 đại biểu đến từ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, UB MTTQ Tổ quốc Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND Thành phố Buôn Ma Thuột, đại diện Vườn quốc gia/khu bảo tồn, Cục Kiểm lâm, Chi cục kiểm lâm tỉnh ĐăkLăk, Chi cục Kiểm lâm vùng IV và các phường, xã, các đoàn thể của tỉnh, các tổ chức phi chính phủ, đồng thời thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội du lịch cũng như người dân địa phương.

Đắk Lắk nằm trong khu vực có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, đặc biệt tại VQG Yok Đôn, VQG Chư Yang Sin và Khu BTTN Ea Sô. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều loài động, thực vật có dấu hiệu suy giảm về số lượng bởi tình trạng khai thác quá mức, diện tích rừng tự nhiên thu hẹp, hoạt động săn bắt, mua bán ĐVHD trái pháp luật vẫn diễn ra phức tạp. Theo số liệu hiện trạng rừng (do Bộ NN&PTNT công bố), chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2023, tỉnh Đắk Lắk mất hơn 60.000 ha rừng tự nhiên, làm thu hẹp và phân mảnh sinh cảnh sống của động vật hoang dã (ĐVHD).

Theo khảo sát của Ủy Ban MTTQ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp thực hiện từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, các sản phẩm ĐVHD trái pháp luật được bày bán ở 13 trên 16 phường trên địa bàn Tp. Buôn Ma Thuột. Trong đó 44% số các cơ sở kinh doanh được khảo sát (nhà hàng, khách sạn, quầy lưu niệm) có liên quan đến các hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật. Điều này cho thấy tình trạng buôn bán ĐVHD trái pháp luật trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp với các phương thức ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Trên cơ sở đó, một khảo sát thị trường tại các chợ và cửa hàng trên địa bàn thành phố đã được UB MTTQ tỉnh Đắk Lắk và Dự án thực hiện vào năm 2024. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy tình trạng buôn bán ĐVHD trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa điểm tại TP. Buôn Ma Thuột, trong số 13/16 phường (81,3%) được khảo sát có ít nhất một cơ sở tham gia vào các hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật. Khoảng 44% địa điểm được khảo sát, bao gồm các nhà hàng, cửa hàng thú cưng và hiệu thuốc đông y, được phát hiện có liên quan đến hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra được các hoạt động mua bán ĐVHD trái pháp luật dưới dạng động vật còn sống, các sản phẩm từ những loài động vật này (bao gồm dạng thịt), trong đó có 20 loài được bảo vệ được liệt kê theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, 14 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và 41 loài được liệt kê trong Sách đỏ IUCN bao gồm các loài cực kỳ nguy cấp và nguy cấp.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 24/6/2024, UB MTTQ tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 387/QĐ-MTTQ về Kế hoạch triển khai Mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói KHÔNG với các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật”, giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định nêu rõ các hoạt động và chiến lược trọng tâm nhằm xóa bỏ tình trạng buôn bán các sản phẩm ĐVHD trái pháp luật và thúc đẩy các hành động bảo vệ ĐDSH và tài nguyên thiên nhiên quý giá của tỉnh một cách bền vững.