Đăk Nông: “Vỡ kế hoạch” trồng rừng thay thế

12/10/2015

Kế hoạch năm 2015, toàn tỉnh sẽ trồng hơn 3.687 ha rừng thay thế; trong đó, các doanh nghiệp làm dự án thủy điện phải trồng hơn 3.192 ha và ngoài thủy điện là hơn 495 ha. Tuy nhiên, đến hết tháng 9, thời điểm mà “mùa trồng rừng” đã gần hết nhưng các doanh nghiệp thủy điện mới trồng được 431 ha, đạt 11,69% kế hoạch, còn các công trình khác ngoài thủy điện thì vẫn chưa triển khai.

Theo quy định thì tất cả các cá nhân, tổ chức khi sử dụng diện tích rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp đều phải trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng đã sử dụng. Các dự án, khi được phê duyệt đầu tư phải đồng thời được phê duyệt dự án trồng rừng thay thế.

Các dự án đã được phê duyệt đầu tư và đi vào hoạt động thì phải được phê duyệt phương án đầu tư trồng rừng thay thế bổ sung và hoàn thành việc trồng rừng thay thế trong vòng 18 tháng sau khi được phê duyệt. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đến thời điểm này, hầu như các quy định trên chưa được thực hiện hiệu quả.

Trong năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án trồng rừng với tổng diện tích là hơn 1.712 ha của 6 doanh nghiệp trong tổng số 9 doanh nghiệp phải trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Công ty Thủy điện Đồng Nai phải trồng gần 1.380 ha/2.753 ha, Ban Quản lý Thủy điện Đồng Nai 5: 213 ha/213 ha, Công ty Mê Kông II 101,6 ha/101,6 ha, Công ty Cổ phần Công trình Việt Nguyên: 1 ha/1 ha, Công ty Cổ phần N&S: 12,68 ha/12,68 ha và Công ty TNHH MTV Vận tải Quốc Long 4,19 ha/4,19 ha. Thế nhưng, trên thực tế phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện. Trên địa bàn có 431 ha rừng trồng thay thế được triển khai nhưng chủ yếu là của Công ty Thủy điện Đồng Nai.

Nguyên nhân dẫn đến “vỡ kế hoạch” là do trong quá trình triển khai trồng rừng thay thế, một số đơn vị chủ dự án thủy điện không chấp hành nghiêm túc việc trồng rừng, đưa ra nhiều lý do để kéo dài thời gian. Trong đó, nhiều chủ dự án đầu tư lại cho rằng do diện tích trồng rừng lớn, thời gian chuẩn bị lại ngắn nên các đơn vị gặp khó khăn trong công tác chuẩn bị nguồn kinh phí để tổ chức triển khai. Chủ đầu tư dự án các công trình thủy điện không có chuyên môn nghiệp vụ trong công tác trồng và quản lý các dự án trồng rừng. Do đó, khi triển khai thực hiện, các đơn vị gặp nhiều khó khăn về lập phương án trồng rừng, hồ sơ thiết kế trồng rừng, kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Để xảy ra thực trạng trên một phần do các đơn vị chức năng trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư có sử dụng đất lâm nghiệp đã chưa thực sự chú ý đến những quy định liên quan đến trồng rừng thay thế.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp với các ngành chức năng rà soát, kiểm tra các dự án sử dụng đất rừng mà chưa trồng rừng thay thế. Nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện thừa nhận năng lực trồng rừng hạn chế và xin được nộp kinh phí trồng rừng thay thế cho địa phương. Trên cơ sở này, Sở Nông nghiệp-PTNT đã làm việc với các chủ dự án thủy điện để xác định diện tích, thời gian và số tiền trồng rừng thay thế và báo cáo UBND tỉnh xem xét các đề xuất, kiến nghị phương án xử lý với từng đơn vị.

Một vướng mắc nữa ảnh hưởng đến việc trồng rừng thay thế là quỹ đất để bố trí cho việc trồng rừng thay thế chủ yếu là dựa trên cơ sở báo cáo rà soát, thống kê của các đơn vị chủ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình bàn giao ngoài thực địa thì nhiều diện tích đất bị người dân xâm canh hoặc đang xảy ra tranh chấp.

Hiện nay, các ngành, địa phương mới bố trí đất cho 7 chủ dự án thủy điện với diện tích hơn 1.757 ha, số còn lại là gần 1.472 ha chưa có quỹ đất để bố trí. Các dự án ngoài thủy điện đã bố trí cho 2 chủ dự án với diện tích gần 5 ha, còn lại chưa có đất để bố trí là hơn 490 ha. Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì trong thời gian qua, toàn tỉnh đã có hơn 1.900 ha bố trí cho việc trồng rừng đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm và rất khó thu hồi.

Phát biểu tại hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội mới đây, đồng chí Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, “mùa trồng rừng” đến nay đã kết thúc. Như vậy, chỉ tiêu về trồng rừng thay thế trong năm nay của tỉnh là không hoàn thành được. Rút kinh nghiệm trong năm 2015, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần phải chủ động xây dựng các kế hoạch, chỉ tiêu về trồng rừng thay thế một cách cụ thể và sát hợp. Trên cơ sở các chỉ tiêu phấn đấu, các ngành, địa phương cần nâng cao công tác phối kết hợp, chủ động triển khai các phương án, kế hoạch cụ thể mới nâng cao được công tác trồng rừng thay thế trong năm 2016.

Nguồn: Bình Minh - Báo Đăk Nông online

Web: http://www.baodaknong.org.vn/