Trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ từ các
doanh nghiệp được cho là một mấu chốt để Hiệp định đối tác tự nguyện về
thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa
Việt Nam và Liên minh Châu Âu đạt kết quả cao.
Trách nhiệm minh bạch nguồn gốc gỗ được doanh
nghiệp chủ động thực hiện
Phát huy từ một thành tựu
Theo bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện
Châu Âu, Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu là hiệp định
thứ 2 tại khu vực châu Á mà EU đã ký kết. “Đây là một bước đi quan trọng của EU
trong việc xây dựng chiến lược nhằm nâng cao đa dạng sinh học và phát triển bền
vững tại châu Á chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Trên cơ sở hệ
thống trách nhiệm giải trình cho nhà nhập khẩu, hệ thống này có thể được xem là
một thành tựu lớn của Hiệp định”, bà Heidi nhấn mạnh.
Để đảm bảo phát huy được thành tựu này, các
đối tác được EU lựa chọn để ký kết rất khắt khe. Nắm bắt được xu thế sử dụng
nguồn nguyên liệu sạch mới có thể phát triển được thị trường quốc tế và thúc
đẩy việc trồng rừng trong nước, Việt Nam đã chủ động, bắt đầu đàm phán từ tháng
11/ 2010. Đến nay đã qua gần mười vòng đàm phán cao cấp, sau mỗi vòng đàm phán,
Việt Nam đều đã có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định
đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm
sản tại Việt Nam bao gồm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cũng như tăng
cường vai trò giám sát của các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội ngành nghề
và các bên liên quan trong quá trình thực hiện Hiệp định.
Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh
Châu Âu đã được hai bên ký kết chính thức vào ngày 19/10/2018 tại Brussels, Bỉ
được coi là một dấu son trong lịch sử ngành lâm nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên để
hiệp định chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021 sẽ còn rất nhiều việc cần
thay đổi trong thị trường lâm nghiệp Việt Nam.
Khi Hiệp định được thực hiện đầy đủ, gỗ và sản
phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ phải có giấy phép về thực thi luật lâm
nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản do phía Việt Nam cấp, mở ra một
chặng đường phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam cần
nỗ lực thực hiện để đảm bảo rằng trách nhiệm giải trình không chỉ dừng lại trên
giấy tờ.
Tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh và
Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) vào tối ngày 8/1 vừa
qua để tìm hiểu tình hình thực tế tại Việt Nam cũng như về việc chuẩn bị
phê duyệt và triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT, bà Heidi cho biết: “Chỉ
những sản phẩm gỗ hợp pháp mới vào được thị trường EU. Chúng ta cần hài hoà hoá
các quy định, trong đó không chỉ quan tâm đến con người mà còn cả vấn đề môi
trường. Việc cấp phép theo Hiệp định mới vào EU trong thời gian tới cần chú
trọng ngay trong thời gian này để thúc đẩy công việc mỗi bên, cả quá trình phê
chuẩn Hiệp định. Chúng tôi muốn đảm bảo cả chuỗi cung ứng và sản phẩm phải đảm
bảo gỗ hợp pháp”.
Đoàn công tác của Nghị viện Châu Âu làm việc
tại Hawa
Nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA cho
rằng, cộng đồng doanh nghiệp gỗ đang cần một “Hệ thống giải trình chung cho
ngành gỗ trên cơ sở hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS)” và đó
là lý do HAWA đang phát triển “Hệ thống trách nhiệm giải trình (HAWA DDS)” cho
cộng đồng doanh nghiệp chế biến lâm sản Việt Nam. Dự án này đã được sự tài trợ
của FAO và sự ủng hộ tích cực của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam.
Nhìn nhận về hệ thống này, Bà Heidi Hautala đã
đánh giá cao về trình độ công nghệ và quản lý của các doanh nghiệp chế biến gỗ
Việt Nam, đặc biệt là về DDS của HAWA. Bà Phó Chủ tịch cũng nói rằng, các doanh
nghiệp và các tổ chức phi chính phủ cũng đã tích cực tham gia vào quá trình đàm
phán và chuẩn bị thực hiện Hiệp định thông qua nhóm nòng cốt do Tổng cục Lâm
nghiệp thành lập.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh thông tin, ngày 18/1
tới đây, HAWA cũng sẽ có một hội thảo để ra mắt hai sản phẩm đầu tiên:
“Bộ hồ sơ giải trình cơ bản” và “Cơ sở dữ liệu nguồn gỗ hợp pháp Việt Nam”. Hai
sản phẩm này được nhìn nhận là sự chủ động vào cuộc của doanh nghiệp đối với
việc xây dựng hệ thống kỹ thuật nền tảng để thực hiện việc giải trình nguồn gốc
gỗ hợp pháp cho doanh nghiệp.
Không những vậy, ngày 11/1 vừa qua, Công
ty cổ phần TAVICO (thành viên của HAWA) đã thành lập “Trung tâm phân phối
gỗ hợp pháp”. Đây là một bước đi không nhỏ trong một khoảng thời gian
ngắn, đánh dấu sự ra đời của một hệ thống phân phối gỗ nguyên liệu chuyên
nghiệp, tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành gỗ thế giới.
Đánh giá các sáng kiến này, ông Phạm Văn Điển
- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận xét, hệ thống DDS, Trung tâm
phân phối gỗ hợp pháp của HAWA là minh chứng rõ nhất cho nỗ lực và quyết tâm
nhất quán của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống, trong bối cảnh
Luật Lâm nghiệp Việt Nam vừa có hiệu lực, Hiệp định VPA/FLEGT vừa được ký kết
và đang trong quá trình làm thủ tục phê chuẩn của hai bên.
Ông Phạm Văn Điển nhấn mạnh: “Điều này đã
khẳng định một cách mạnh mẽ quyết tâm của Việt Nam trên con đường phát triển
bền vững và nói không với gỗ bất hợp pháp. Những sáng kiến này sẽ góp phần
không nhỏ vào việc xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ bền
vững cho thế giới từ nguồn gỗ hợp pháp. Từ điểm sáng của HAWA và những nỗ lực
chung của toàn quốc, chúng ta kỳ vọng rằng, Việt Nam thực hiện VPA/FLEGT không
chỉ riêng cho thị trường EU mà còn cho các thị trường lớn trong chuỗi giá trị
toàn cầu”.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ