Tin từ Bộ
Công an cho biết, thừa lệnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,
Bộ Công an đã báo cáo toàn bộ diễn biến vụ phá rừng quy mô lớn, xảy ra tại khu
vực quanh hồ thủy điện Đồng Nai 5 (thuộc địa bàn thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), giáp ranh các tỉnh Đắk Nông,
Đồng Nai.
Đại tá Phùng
Tất Thành – Trưởng phòng Tham mưu Công an Lâm Đồng, người phát ngôn của Công an
tỉnh này cho biết: Chiều 11.7, tại huyện Bảo Lâm đã diễn ra cuộc họp về vụ việc
trên. Thành phần bao gồm: Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Viện
kiểm sát cùng cấp, Thủ trưởng Cục Cảnh sát Môi trường (C49), Văn phòng điều tra
Bộ Công an (C44) và một số phòng chức năng Công an Lâm Đồng, Công an huyện Bảo
Lâm. Ngành chức năng đi đến thống nhất: Quyết định khởi tố vụ án phá rừng, theo
Điều 175 BLHS; đồng thời khởi tố bị can với 7 đối tượng liên quan. Với số đối
tượng bỏ trốn, sẽ tiến hành phát lệnh truy nã; đồng thời làm rõ trách nhiệm của
các cá nhân, đơn vị để xảy ra vụ tàn phá rừng nghiêm trọng này.
Liên quan đến
vụ án, đối tượng Lê Hồng Hà (tự Hà “đen”, SN 1968, quê huyện Diễn Châu – Nghệ
An, kẻ trực tiếp cầm đầu băng nhóm phá rừng gần 20 tên) hiện vẫn đang bỏ trốn
và bị truy bắt. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, đứng sau Hà “đen” là chủ
doanh nghiệp tư nhân T.C. Danh tính về người này đang được làm rõ. Người này
lập công ty, được nguyên lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép tận thu cây rừng,
trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng. Lợi dụng giấy phép này, đối tượng thuê Hà
“đen” – một tay “giang hồ” sống lang thang, thu thập băng nhóm gần 20 đối tượng
(đều quê ở Hà Tĩnh, Quảng Bình) đến lập lán trại trong rừng, lách luật, tận diệt
rừng.
Hiện trường
vụ phá rừng. Ảnh: Ngọc Hà
Hành vi phá
rừng của bọn chúng kéo dài suốt 2 năm nay, nhưng không bị phát hiện, xử lý, cho
đến khi Bộ Công an lên kế hoạch triệt phá, vào đêm 8.7. Những kẻ bị bắt giữ
khai nhận họ làm thuê cho Hà “đen”, được đối tượng này trả mức lương từ 6 đến
15 triệu đồng/tháng. Trong hai ngày 9-10.7, Bộ Công an cũng kiểm tra hàng loạt
công ty, xưởng gỗ lớn có dấu hiệu liên quan đến việc thu mua, chế biến số gỗ
lậu do nhóm lâm tặc Hà “đen” phá rừng.
Theo điều tra
của các cơ quan chức năng, gỗ lậu được Hà “đen” tiêu thụ ở nhiều nơi như TP.Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) và
nhiều tỉnh khác như Đắk Nông, Bình PhướcBa. Tại tỉnh Bình Phước, Cục Cảnh sát
phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện một cơ sở tiêu thu gỗ lậu của
Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại dịch vụ Thu Hà (khu Đức Thọ,
thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng) do ông Đinh Bá Chò làm người đại diện theo pháp luật, đang tàng trữ gần 240m3 gỗ tròn (từ nhóm 2 đến nhóm
8) không có dấu búa kiểm lâm, giấy tờ hợp pháp. Số gỗ này được Công ty Thu Hà
trộn lẫn vào số gỗ có giấy tờ hợp pháp để che mắt cơ quan chức năng. Hiện toàn
bộ tang vật bị tạm giữ để tiếp tục xác minh làm rõ.
Dư luận cho
rằng, việc băng nhóm Hà “đen” phá rừng suốt 2 năm qua là chuyện “con voi chui
lọt lỗ kim”. “Người dân chúng tôi mong muốn Bộ Công an, các cơ quan chức năng
làm rõ, quy trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm những ai đã “bảo kê”, “chống lưng”
cho lâm tặc ngang nhiên phá rừng” – nhiều người dân bày tỏ ý kiến.
Lực lượng
chức năng kiểm tra một thân cây bị chặt. Ảnh: Ngọc Hà
Trước đó,
rạng sáng ngày 8.7, Tổ công tác thuộc Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an đã
mật phục, bắt quả tang hơn 10 đối tượng đang vận chuyển một số lượng lớn gỗ lậu
dưới lòng hồ Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5, (thuộc thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo
Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Đây là khu vực giáp ranh tỉnh Đắk Nông và cánh rừng Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai). Tang vật thu giữ, gồm 1 xe ô tô
tải vận chuyển gỗ, BS 60N-88-07 cùng 16,007m3 gỗ xẻ các nhóm, 1,044m3 gỗ tròn.
Ngoài ra, qua
kiểm đếm tại hiện trường, cả trăm ngàn mét khối gỗ các nhóm đã bị đốn hạ, bị
cưa xẻ. Diện tích rừng bị tàn phá thuộc tiểu khu 390-396 (lâm phần do Công ty
TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc và Hạt kiểm lâm Bảo Lâm quản lý). Trong ngày 11.7,
chúng tôi đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc làm việc, nhưng đều nhận được
tin lãnh đạo đi họp. Liên lạc nhiều lần qua điện thoại với Giám đốc Mai Hữu
Chanh, nhưng ông không không bắt máy.
Các thớ gỗ
được đưa về kiểm tra. Ảnh: Ngọc Hà
Thiếu tướng
Bùi Văn Sơn – Giám đốc Công an Lâm Đồng cho biết, ngày 9.7, Bộ Công an đã bàn
giao các đối tượng cùng toàn bộ hồ sơ vụ án cho Công an Lâm Đồng thụ lý, điều
tra theo thẩm quyền. Đến nay, có 50 cán bộ, gồm trinh sát Bộ Công an, Công an
Lâm Đồng và các ngành chức năng địa phương phối hợp điều tra, mở rộng và làm rõ
vụ án.
Nguồn: theo báo Tin tây nguyên
Web: http://www.tintaynguyen.com/