Bảo vệ rừng làm ngơ hoặc tiếp tay
cho lâm tặc, đó là điều không lạ ở Tây Nguyên. Nhưng chỉ khi vụ việc báo chí nêu hoặc Công
an vào cuộc…
Theo kế hoạch, hôm nay (20/6),
tại Thành phố Buồn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững
vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020.
Nhìn lại những tháng đầu năm nay,
các tỉnh Tây Nguyên đã tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quản lý bảo vệ rừng,
trong đó xử lý kỷ luật không ít cán bộ bảo vệ rừng có liên quan, nhưng tình
trạng rừng bị tàn phá vẫn chưa được ngăn chặn.
Gỗ bị xẻ thịt ở Kon PLong.
Đầu tháng 6 này, sau khi phóng
viên VOV tại Tây Nguyên phản ánh việc mỏ đá mở đường cho lâm tặc khai thác rừng
ở tiểu khu 474, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, các
ngành chức năng địa phương mới ráo riết vào cuộc, và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Kon
Plông cho rằng, 900 ha rừng đã được giao cho UBND xã Măng Cành quản lý; và rừng
“rỗng ruột” là do người dân địa phương khai thác gỗ làm nhà. Còn chính quyền xã
lại khẳng định, dân phá thì ít, mà chủ yếu do lâm tặc vào trộm rừng.
Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND
huyện Kon Plông nhận định, rừng tại tiểu khu 474 bị rút ruột trong thời gian
dài, thủ phạm bao gồm cả người được giao rừng lẫn lâm tặc: “Có một số trường
hợp diện tích đã giao cho cộng đồng quản lý dân cũng còn rất khó khăn cho nên
họ lấy một số cây để làm nhà, làm chuồng trại. Bên cạnh đó cũng có một số đối
tượng người ta lợi dụng người ta vi phạm về lâm luật. Huyện đã có văn bản khẩn
chỉ đạo cho kiểm lâm, công an xác minh lại cho rõ ràng”.
Bảo vệ rừng làm ngơ hoặc tiếp tay
cho lâm tặc, đó là điều không lạ ở Tây Nguyên. Nhưng chỉ khi vụ việc được báo
chí nêu rõ, hoặc lực lượng của Bộ Công an vào cuộc, thì mới có những cá nhân cụ
thể phải chịu trách nhiệm.
Liên quan đến nạn khai thác gỗ
trắng trợn ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai mà báo
chí phản ánh hồi đầu năm nay, các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã xử lý kỷ luật
15 cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm Krông Pa và Ban quản lý rừng phòng hộ Ia
Rsai.
Tại Đắc Lắc, mới đây, khi những
hình ảnh về cán bộ bảo vệ rừng nhận tiền lót tay rồi làm ngơ cho việc khai thác
vận chuyển gỗ lậu được thông tin rộng rãi, thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn
Ja Wầm, mới quyết định đình chỉ công tác 2 cán bộ trạm Bảo vệ rừng số 1, đóng
tại xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar.
Còn tại Đắc Nông, liên quan đến
hơn 250 mét khối gỗ trái phép ở xã Quảng Sơn, huyện Đắc G’long do lực lượng
chuyên trách của Bộ Công an phát hiện hồi tháng tư năm nay, 4 cán bộ kiểm lâm
đã bị đình chỉ công tác để điều tra làm rõ trách nhiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Tài, Chi cục
trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắc Nông, cho biết, cán bộ cơ sở đã không tuân thủ
chỉ đạo của cấp trên dù trước đó đã phát hiện những hành vi vi phạm: “Trước khi
sự việc xảy ra, Chi cục Kiểm lâm cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra xưởng Quốc Triệu
và đã phát hiện 31 khối gỗ… Chi cục đã lập biên bản và điều tra xử lý, sau đó
Chi cục đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm Đắc G’long tăng cường kiểm tra giám sát các đơn
vị chủ rừng, đặc biệt là các đơn vị chế biến lâm sản trên địa bàn, trong đó có
các xưởng tại Quảng Sơn. Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm Đắc G’long không thực hiện
theo chỉ đạo của Chi cục, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến xảy ra vụ việc”.
Nhìn lại các vụ bắt giữ gỗ lậu số
lượng lớn tại các tỉnh Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai thời gian qua, cơ quan chức
năng đều xác định có liên quan đến các cán bộ bảo vệ rừng. Dư luận đặt câu hỏi,
phải chăng rừng Tây Nguyên vẫn là miếng bánh béo bở, mà cả kẻ phá rừng và người
bảo vệ rừng đều tranh thủ hưởng lợi?
Đường từ mỏ đá đâm vào rừng Kon
Plong.
Hộ nhận khoán bảo vệ rừng, các
doanh nghiệp thuê đất thuê rừng, các công ty lâm nghiệp nhà nước, chính quyền
địa phương, lực lượng kiểm lâm, lực lượng biên phòng, công an kinh tế, môi
trường… Nhiều lực lượng gắn với công tác bảo vệ rừng, nhưng không có ai chịu
trách nhiệm rõ ràng khi rừng mất gỗ bị khai thác.
Một cây gỗ đi từ rừng ra phố phải
qua rất nhiều “cửa ải”, vậy mà khi Bộ Công an vào cuộc là phát hiện những kho
chứa hàng trăm, hàng nghìn mét khối gỗ lậu ở ngay trung tâm huyện Đắc Min (tỉnh
Đắc Nông), Thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc) hay Thành phố Plây Ku (tỉnh
Gia Lai).
Muốn giữ được rừng Tây Nguyên,
hãy bắt đầu từ lực lượng bảo vệ rừng!./.
Nguồn: Minh Huệ/VOV- Tây Nguyên –
Báo VOV
Web: http://vov.vn/