Sáng 2-12, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đác Lắc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc phối hợp Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới bảo tồn các loài hoang dã (4-12) với chủ đề: “Tây Nguyên kiêu hãnh, Tây Nguyên bảo vệ thú rừng”.
Đông đảo người dân Đắc Lắk đến xem triển lãm “Ký ức tuổi thơ”.
Mảnh đất Tây Nguyên được biết đến với diện
tích núi đồi bazan rộng lớn, những con sông đầu nguồn và những khu rừng có giá
trị cao về đa dạng sinh học. Nơi đây cũng là ngôi nhà của nhiều động vật quý
hiếm được pháp luật Việt Nam bảo vệ nghiêm ngặt như: hổ, beo lửa, báo, bò tót,
bò rừng, voọc chà vá chân đen, công xanh, đặc biệt là voi...
Tuy nhiên, trong hơn bốn thập kỷ gần đây, các
loài đật vật hoang dã bị suy giảm nghiêm trọng do mất sinh cảnh sống và bị săn
bắt tận diệt... Từ hàng nghìn cá thể voi hoang dã, giờ đây Tây Nguyên chỉ còn
khoảng 70 cá thể. Hổ biến mất khỏi núi rừng và các loài mèo lớn khác đang bị
ráo riết săn lùng.
Từ thực trạng nói trên, sự kiện hưởng ứng Ngày
thế giới bảo tồn các loài hoang dã là dịp để những người con Tây Nguyên nhìn
lại thực trạng tài nguyên các loài hoang dã quý hiếm của quê hương và cùng nhau
quyết tâm gìn giữ những món quà quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất
cao nguyên.
Tham dự sự kiện này, họa sĩ Trung Nghĩa đã
cùng WWF tại Việt Nam thực hiện triển lãm “Ký ức tuổi thơ” với năm bức tranh về
các loài động vật quý hiếm đã hoặc đang trú tại các cánh rừng Tây Nguyên. Bằng
nghệ thuật khói, lửa và chất cháy để làm ra các tác phẩm của mình, họa sĩ Trung
Nghĩa muốn kêu gọi những người con Tây Nguyên cùng hợp sức bảo vệ những báu vật
còn lại của núi rừng.
Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc Y
Sy H’Dơk cho biết: “Quần thể các loài hoang dã đã suy giảm đến mức báo động
nhưng vẫn còn cơ hội để phục hồi và phát triển. Rừng Tây Nguyên vẫn còn đủ giàu
để loài hoang dã tự phục hồi. Điều quan trọng là trả lại cho động vật môi
trường sống an toàn và hành lang di chuyển đủ rộng theo tập tính của loài. Đác
Lắc là tỉnh có quần thể voi hoang dã lớn nhất cả nước hiện sinh sống tại Vườn
quốc gia Yok Đôn, đây là niềm hy vọng của bảo tồn voi Việt Nam. Tuy nhiên, các
cấp, các ngành phải hành động ngay bây giờ và phải làm nhiều hơn nữa mới có thể
đảo ngược tốc độ suy giảm quần thể loài. Với sự hỗ trợ của WWF tại Việt Nam và
sự chung tay của người dân, của doanh nghiệp, sự quyết tâm của lãnh đạo các
cấp, cùng sự nhiệt tình cống hiến của giới trẻ, nhất định chúng ta sẽ làm
được”.
Nguồn: Nguyễn Công Lý – Báo Nhân Dân Điện
tử
Web: http://www.nhandan.com.vn