Luật Bảo vệ Phát triển rừng sửa đổi sẽ bổ sung
nhiều cơ chế để nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng
Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn
khẳng định: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tới đây sẽ từng
bước được thực hiện theo cơ chế thị trường.
Theo đó sẽ mở rộng thêm các nguồn thu phi lâm
sản từ DVMTR để tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng.
Trao đổi với NNVN về chính sách chi trả DVMTR,
Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn cho rằng: DVMTR là xu hướng tất yếu để tạo
nguồn tài chính bền vững, nhất là trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí
hậu, chúng ta buộc phải khôi phục phát triển rừng và không khai thác rừng tự
nhiên nữa, nhưng vẫn phải tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Đây cũng là
chính sách mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai có hiệu quả.
Theo Thứ trưởng, nguồn thu từ DVMTR những năm
qua đã có tác động rõ rệt tới chất lượng của trên 5,8 triệu ha rừng, chiếm trên
40% diện tích có rừng hiện nay của cả nước. Đây là nguồn kinh phí có ý nghĩa
không chỉ nâng cao đời sống người làm nghề rừng mà còn có tác động tích cực tới
công tác bảo vệ phát triển rừng.
“Nếu so sánh với ngân sách đầu tư hỗ trợ từ
trung ương cho các địa phương trong bảo vệ phát triển rừng thì trong những năm
qua, nguồn thu từ DVMTR đã chiếm tỉ lệ lớn hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa để
giảm bớt dần gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nhất là như năm 2017 này” – Thứ
trưởng Tuấn đánh giá.
Thưa Thứ trưởng, nhiều chuyên gia cho rằng,
mức chi trả DVMTR hiện nay vẫn còn thấp, chưa xứng đáng với giá trị đóng góp
thực tế của rừng?
Chúng ta đã triển thực hiện khai chi trả DVMTR
khoảng 9 năm, trong đó có 2 năm thí điểm tại Sơn La và Lâm Đồng. Đến năm 2010,
Chính phủ chính thức có Nghị định 99/2010/NĐ-CP (Nghị định 99) để triển khai
việc chi trả DVMTR trên toàn quốc.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định
147/NĐ-CP (Nghị định 147) về sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 99.
Theo đó, từ ngày 1/1/2017 đơn giá tiền DVMTR
đối với các nhà máy thủy điện đã được điều chỉnh tăng từ 20 đồng/kWh như trước
đây lên 36 đồng/kWh điện thương phẩm; đối với các NM cung ứng nước sạch đơn giá
sẽ tăng từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3 nước thương phẩm.
Mặc dù vậy theo đánh giá của các nhà khoa học
và chuyên gia quốc tế, mức chi trả này hiện vẫn còn ở mức rất thấp so với giá
trị thực đóng góp của rừng. Vì vậy, cùng với việc thực hiện cơ chế thị trường,
chúng ta chắc chắn sẽ phải từng bước tăng dần mức chi trả DVMTR lên.
Mặc dù chi trả DVMTR là chính sách dành cho
giữa người mua và người bán, nhưng phải có bàn tay kiến tạo của nhà nước để đảm
bảo hai bên có sự hài hòa nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch. Nhà nước cũng
không coi DVMTR là nguồn ngân sách, mà chỉ kiến tạo cho bên cung ứng dịch vụ và
bên sử dụng dịch vụ tiếp cận dần tới cơ chế thị trường.
Về lâu dài, tất yếu DVMTR sẽ là cơ chế hoàn
toàn điều tiết giữa bên mua và bên bán, giảm dần vai trò điều tiết của nhà
nước, tuy nhiên trước mắt, chúng ta chưa thể bung ra để cho thị trường tự điều
tiết được. Đây cũng chính là thực hiện cơ chế quản lí nhà nước trong nền kinh
tế theo định hướng XHCN.
Những năm gần đây, nguồn thu từ DVMTR cả nước
hàng năm dao động khoảng 1.300 tỉ đồng/năm và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên
trong những năm tới đây theo cơ chế thị trường giữa một bên là người mua (đơn
vị sử dụng DVMTR) và người bán (người làm nghề rừng). Trước mắt trong năm 2017,
cùng với việc thực hiện đơn giá DVMTR theo Nghị định 147, tổng nguồn thu DVMTR
cả nước sẽ được tăng lên gấp rưỡi so với các năm trước đây, tức khoảng 1.700 tỉ
đồng.
Trước hết, phải khẳng định đây là nguồn tài
chính vô cùng lớn. Cả ngành lâm nghiệp hiện nay giá trị SX gỗ hàng năm chỉ
khoảng 3.400 tỉ đồng, nếu cộng cả nguồn từ DVMTR thì giá trị SX của toàn ngành
lâm nghiệp đã tăng thêm gấp rưỡi.
Tới đây, nguồn thu từ giá trị phi lâm sản, tức
các nguồn từ DVMTR của ngành lâm nghiệp sẽ ngày càng tăng lên. Trong đó, chủ
trương là sẽ dần mở rộng thêm các loại hình DVMTR để tăng thêm nguồn thu cho
người làm nghề rừng.
Hiện nay, chúng ta mới chỉ thực hiện chi trả
DVMTR đối với 3/5 loại hình chi trả DVMTR. Cụ thể tới đây, sẽ mở rộng thêm các
loại DVMTR nào thưa ông?
Quốc hội hiện đã có chương trình sửa đổi Luật
Bảo vệ Phát triển rừng và sẽ cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng 5/2017, dự kiến sẽ
thông qua Luật sửa đổi vào kỳ họp tháng 10/2017. Điểm mới trong Luật sửa đổi
lần này là sẽ đưa thêm những nguồn thu khác từ dịch vụ phi lâm sản, trong đó
DVMTR sẽ là một bổ sung mới quan trọng vào Luật. Trên cơ sở của Luật sửa đổi,
chúng ta sẽ có điều kiện hoàn thiện các cơ chế chính sách dưới Luật để mở rộng
thêm các nguồn thu từ các dịch vụ phi lâm sản, đồng thời khuyến khích những
dịch vụ trực tiếp giữa chủ rừng với các đơn vị sử dụng DVMTR, nhất là cho hoạt
động du lịch sinh thái. Mục tiêu sẽ là từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời
sống cho người làm nghề rừng lên.
Hiện tại, Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ
với các bạn bè quốc tế để tiến tới việc hình thành cơ chế chi trả DVMTR đối với
việc hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà
kính thông qua Tín chỉ CO2. Nếu chúng ta triển khai được tín chỉ CO2 trong một
vài năm tới đây thì nguồn thu từ DVMTR có thể sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay,
tức khoảng 2.600 – 3.000 tỉ đồng/năm. Điều này sẽ giúp tăng đáng kể nguồn thu
DVMTR cho người làm nghề rừng.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
“Hiện nay, chủ trương của Đảng, Chính phủ sẽ
là dừng việc khai thác chính đối với gỗ rừng tự nhiên. Việc dừng khai thác hoặc
đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên không có nghĩa là chúng ta cấm toàn bộ
những hoạt động nông lâm kết hợp, mà sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết hợp để vừa
làm cho rừng tốt lên, vừa tăng thu nhập cho người làm nghề rừng” - Thứ
trưởng Hà Công Tuấn.
Nguồn: Lê Bền, Báo Nông nghiệp Việt Nam
Web: http://tongcuclamnghiep.gov.vn