Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát
triển rừng luôn được các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, chỉ đạo.
Chính vì vậy, việc tuyên truyền pháp luật bảo vệ và phát triển rừng đến người
dân luôn được chú trọng hơn cả. Hàng năm tại Ba Tơ, là huyện có diện tích rừng
lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau
nhưng hiệu quả hơn cả là hình thức tuyên truyền bằng sân khấu hóa. Đây là hình
thức tuyên truyền thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tạo sự
lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư vùng cao và vùng xa.
Ông Ngô Vĩnh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm
huyện Ba Tơ, cho biết: Ba Tơ là huyện miền núi với diện tích rừng rộng lớn trải
dài trên những địa hình phức tạp, giao thông đi lại khá khó khăn nên công tác bảo
vệ và phát triển rừng gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trong những năm
gần đây, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản, săn bắt, vận
chuyển động vật hoang dã trái pháp luật đã giảm rõ rệt và chuyển biến tích cực.
Có được kết quả đó, chúng tôi triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó hình
thức tuyên truyền bằng sân khấu hóa là hình thức mang lại hiệu quả cao nhất.
Tuyên truyền Bảo vệ rừng tại xã Ba Trang huyện
Ba Tơ 8/2017
Để các hoạt động tuyên truyền sân khấu hóa được
hiệu quả, các hình thức sân khấu hóa cũng ngày càng được đầu tư nghiên cứu,
"xào nấu" sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với nhiều phong tục tập
quán và nhiều đối tượng, đặc biệt là bà con dân tộc vùng núi. Nếu như tuyên
truyền bằng tờ rơi còn hạn chế đến một số đối tượng trình độ văn hóa thấp,
tuyên truyền thông qua các buổi họp dân thì đối tượng chỉ là người già hoặc chỉ
1 thành viên trong gia đình tham dự thì ngược lại, tuyên truyền thông qua sân
khấu hóa thì cả gia đình, cả thôn, xóm, xã có thể tham dự. Thậm chí chính người
dân sau khi thấu hiểu những thông điệp trong các tiết mục được trình bày, sẽ
truyền đạt đến đông đảo bà con làng xóm của mình, một cách gần gũi và chân thật
và dễ hiểu, dễ cảm thông nhất và vô tình họ chính là những tuyên truyền viên để
bảo vệ rừng, bảo vệ chính cuộc sống của họ trên mảnh đất lâu đời gắn bó.
Ông Đinh Văn Réo ở xã Ba Trang cho biết: “Tôi
đã được nghe tuyên tuyền về bảo vệ và phát triển rừng nhiều trên loa truyền
thanh và các buổi họp thôn, nhưng tuyên truyền thông qua các tiểu phẩm kịch vui
như thế này thì rất dễ hiểu. Những tình huống vui nhộn giúp người xem hiểu sâu
và không bị nhàm chán, tuyên truyền như thế này giúp tôi nhớ được lâu và có thể
nói cho con cháu biết”.
Bà Đinh Thị Theo ở cùng xã cho hay: “Thực ra
mà nói, thì ở đây ít ai tìm hiểu về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng nhưng
thỉnh thoảng có nghe đài truyền thanh, họp thôn, xe tuyên truyền lưu động cũng hiểu
chút ít nhưng khi đi xem tuyên truyền kiểu văn nghệ, kịch như thế này thì bà
con đi xem đông vì dễ hiểu, một số người không biết chữ cũng hiểu được phá rừng
là vi phạm pháp luật ”.
Có thể khẳng định rằng, tại Huyện Ba Tơ thông
qua hình thức sân khấu hóa các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng,
nội dung pháp luật được chuyển thể sang hình thức biểu diễn trên sân khấu sẽ làm
mất đi phần khô cứng và trở nên gần gũi với đời thường và khán giả sẽ dễ nhớ, dễ
hiểu, dễ cảm nhận, suy ngẫm rồi vận dụng vào trong cuộc sống hàng ngày từ đó đi
cuộc sống của người dân vùng núi một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển, giúp bà con
có một cách nhìn mới mẻ về rừng từ đó họ nhận thức được về những tác hại của việc
chặt phá rừng, những lợi ích to lớn từ rừng mang lại và hành động chuyển biến
tích cực hơn để bảo vệ rừng. Đây chính là bước đầu thành công của Hạt Kiểm lâm
Ba Tơ nói riêng, huyện Ba Tơ và lực lượng Kiểm lâm Quảng Ngãi nói chung trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng ./.
Nguồn: Thế Anh – Chi cục Kiểm lâm Quảng
Ngãi