Nhiều năm gần đây, giá gỗ rừng trồng luôn ổn
định ở mức 1,2 triệu đồng/tấn, người trồng rừng có lãi. Để phát triển bền
vững, người trồng rừng đang hướng đến chuyện “nuôi” rừng để khai thác cây gỗ
lớn, nhằm tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ
trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định (ngoài cùng bìa trái) kiểm tra rừng trồng
Bình Định là địa phương dẫn đầu khu vực duyên
hải Nam Trung bộ trong phong trào trồng rừng. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh
này đã có đến 134.306ha rừng trồng. Trong đó, rừng SX có 97.212ha, số còn lại
là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Trong 97.212ha diện tích rừng SX ở Bình Định
có 9.700ha của Cty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư
của Nhật Bản, 7.500ha của 3 công ty lâm nghiệp: Sông Kôn, Hà Thanh, Quy Nhơn;
còn lại hơn 80.000ha là do các tổ chức ngoài quốc doanh và hộ nông dân sở hữu.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ
trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, phân tích: Trong nhiều năm liền gần đây, giá
gỗ nguyên liệu luôn đứng ở mức 1,2 triệu đồng/tấn, đầu ra ổn định. Với mức giá
này, người trồng rừng lãi rất khá. Bởi, mức đầu tư cho 1ha rừng suốt chu kỳ 7
năm của nông hộ không cao, tính cả cây giống, công cán, đầu tư chăm sóc chỉ
khoảng 30 triệu/ha. Năng suất rừng trồng hiện nay ở Bình Định khá cao, đạt thấp
nhất cũng 100 tấn/ha, đầu tư tốt hơn sẽ đạt đến 120 - 130 tấn/ha. Với mức
giá 1,2 triệu đồng/tấn, tính năng suất bình quân 100 tấn/ha, 1ha rừng sẽ thu
được 120 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư và chi phí công khai thác, người trồng
rừng cầm chắc còn lãi 60 - 70 triệu đồng/ha”, ông Dũng tính toán.
Tuy nhiên, người trồng rừng ở Bình Định thường
“ăn non”, khi rừng mới được khoảng 4 - 5 tuổi mà có gỗ nguyên liệu có giá
là đốn bán, do đó không khai thác hết tiềm năng kinh tế của rừng trồng.
Để từng bước hướng đến việc “nuôi” rừng khai
thác cây gỗ lớn, Bình Định đang xây dựng đề án phát triển cây gỗ lớn với diện
tích 10.000ha, triển khai tại 3 công ty lâm nghiệp Sông Kôn, Hà Thanh và Quy
Nhơn và các địa phương có nhiều diện tích rừng trồng Phù Cát, Vân Canh, Hoài
Ân…
Theo ông Nguyễn Thế Dũng, chu kỳ của rừng gỗ
lớn kéo dài 10 - 12 năm mới khai thác. Đến lúc này cây gỗ lớn không bán
cho những nhà máy băm dăm nữa mà sẽ được cung ứng cho những doanh nghiệp chế
biến đồ gỗ xuất khẩu trên địa bàn với giá trị cao hơn. Nuôi rừng khai thác cây
gỗ lớn có rất nhiều mặt lợi. Cái lợi “vô hình” mà người trồng không thấy được
là về mặt môi trường. Độ che phủ của rừng duy trì hàng chục năm nên đất không
bị mưa gió làm xói mòn.
Người trồng rừng Bình Định thường khai thác gỗ
non nên không phát huy hết hiệu quả kinh tế
“Hiện các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất
khẩu trên địa bàn tỉnh hầu hết là nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Khi rừng trồng cây
gỗ lớn được hình thành thì áp lực về gỗ nguyên liệu sẽ giảm bớt, người trồng sẽ
có lãi nhiều hơn. Nếu rừng trồng 5 - 7 năm khai thác người trồng rừng có
mức doanh thu 120 triệu đồng/ha thì để 10 - 12 năm mới khai thác thì mức
doanh thu có thể đạt đến 250 triệu đồng/ha”, ông Dũng cho hay.
Trong khi đó, ông Dũng phân tích thêm, “nuôi”
rừng khai thác cây gỗ lớn người trồng chỉ tốn thêm công bảo vệ 1 thời gian, chứ
ở giai đoạn này rừng “ăn” rất ít phân nhưng tốc độ phát triển rất nhanh, chất
lượng gỗ tốt hơn, tỷ trọng cây gỗ cao hơn. Nếu khai thác gỗ non 1 khối tỷ trọng
gỗ chỉ đạt 0,7 tấn thì khai thác cây gỗ lớn tỷ trọng gỗ sẽ tăng lên 1 khối đạt
1 tấn.
“Khi người trồng rừng thấy được lợi ích của
rừng gỗ lớn thì chắc chắn sẽ không còn ai khai thác gỗ non để bán nữa. Tuy
nhiên, khi kéo dài thời gian cây đứng thì các chủ rừng sẽ đối mặt với nạn cháy
rừng. Do đó, khi thực hiện việc “nuôi” rừng gỗ lớn các chủ rừng phải tổ chức
thật tốt công tác PCCCR để tránh thiệt hại”, ông Nguyễn Thế Dũng.
Nguồn: Vũ An Nhân – Báo Nông nghiệp
Web: http://nongnghiep.vn