Rừng Tây Nguyên lại chảy máu dữ dội

20/12/2015

Hằng ngày, lâm tặc lợi dụng những khu rừng giáp ranh bao quanh để tiến sâu vào những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt chặt phá và săn bắn động, thực vật quý hiếm trái phép... Và “nước mắt” rừng ở Tây Nguyên vẫn chảy…

Những khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia ở Tây Nguyên là một trong những nơi còn sót lại nhiều loài động vật quý hiếm như bò tót, bò rừng, sao la… và các loài thực vật quý hiếm như: gỗ huỳnh đàn đỏ, hương, trắc, cẩm lai, cà chít… Rừng quý còn rất ít nhưng việc giữ rừng ở đây trong thời gian qua đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Hằng ngày, lâm tặc lợi dụng những khu rừng giáp ranh bao quanh để tiến sâu vào những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt chặt phá và săn bắn động, thực vật quý hiếm trái phép... Và “nước mắt” rừng ở Tây Nguyên vẫn chảy…

Già làng chỉ tay về phía những cánh rừng còn sót lại của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn kêu cứu: “Hãy giữ lấy rừng thiêng!”. Bởi rừng đã đi vào tâm thức, nuôi dưỡng cuộc sống, tâm hồn… của bao thế hệ con người sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên yêu thương. Anh Khăm Phét Lào, người con trai kế thừa bài thuốc gia truyền của “vua săn voi” Ama Kông nhiều lần tâm sự với chúng tôi: “Nếu không giữ được rừng Buôn Đôn thì thuốc quý cũng không còn”.

VQG Yok Đôn được thành lập từ năm 1992 với diện tích ban đầu hơn 58.000ha, đến đầu năm 2002, vườn được mở rộng thêm lên đến 113.853ha, nằm trên địa phận thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Với vị trí địa lý sinh học, tầng địa chất và khí hậu tương đối khác biệt, VQG Yok Đôn được xem là một trong những nơi có hệ sinh thái, kiểu rừng tương đối đặc trưng với nhiều loại gỗ quý hiếm, động vật, lâm sản phụ có giá trị cao về khoa học và kinh tế. Chính những điều kiện này mà thời gian gần đây, nạn khai thác gỗ, săn bắn động vật hoang dã trái phép đã trở nên nóng bỏng.

Gỗ khai thác trái phép ở Vườn Quốc gia Yok Đôn và Khu Bảo tồn Ea Sô.

Có lúc lâm tặc tập kết hàng trăm mét khối gỗ trong rừng như vụ phát hiện tại địa điểm thuộc khoảnh 2, Tiểu khu 245 trên địa bàn huyện Ea Súp, dọc theo tuyến quốc lộ 14C có 191 lóng gỗ tròn từ nhóm II đến nhóm VI (khoảng 148m3) được khai thác tập kết tại 11 điểm khác nhau. Toàn bộ số gỗ trên đều không có dấu búa kiểm lâm, không xác định được nguồn gốc.

Báo cáo của VQG Yok Đôn cho thấy, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 336 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, cơ quan chức năng đã tịch thu gần 200m3 gỗ và 560 phương tiện phá rừng các loại. Còn theo Chi cục Kiểm lâm Vùng IV - Cục Kiểm lâm thì hiện nay, trung bình mỗi ngày tại VQG Yok Đôn bị đốn hạ từ 2 đến 3 cây gỗ quý, là nơi để xảy ra tình trạng phá rừng cao nhất trong số các VQG, khu bảo tồn trong cả nước.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại VQG Yok Đôn hiện nay đang xuất hiện tình trạng người dân sống xung quanh vùng đệm lén lút vào vùng lõi của vườn để đốn hạ gỗ quý đang đến hồi báo động. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, những người này thường mang theo cưa tay đốn hạ những cây nhỏ lẻ có đường kính từ 30 đến 60cm, sau đó dùng sức người gùi vác ra khỏi rừng tập kết tại các nhà dân hoặc chòi rẫy xung quanh vườn, rồi dùng xe tải nhỏ thu gom, vận chuyển đi tiêu thụ.

“Nhóm người này thường lợi dụng thời điểm trời mưa, đêm khuya hoặc ngày nghỉ để hoạt động. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, họ vứt tang vật bỏ trốn hoặc gọi người đến chống trả cướp lại gỗ”, một cán bộ kiểm lâm cho hay.

Cụ thể, trong lúc đi tuần tra cùng đồng nghiệp, anh Tạ Văn Tuyên, cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động số 2, Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn đã bị một nhóm lâm tặc chặn đường đánh trọng thương, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Theo điều tra, anh Tạ Văn Tuyên và Nguyễn Văn Đức (cùng đội) được cử đi tuần tra tại một số bến sông mà lâm tặc thường hay tập kết gỗ lậu để vận chuyển ra ngoài. Khi đến bến sông, hai anh phát hiện xe tải mang BKS 47L-010.81 chở gỗ lưu thông từ bến sông lên Tỉnh lộ 1, hướng về TP Buôn Ma Thuột.

Khi vừa đi đến địa bàn thuộc xã Ea Hoa, huyện Buôn Đôn thì bất ngờ một chiếc xe du lịch loại 7 chỗ và 3 xe máy vượt lên chặn đầu xe máy của hai anh. Nhóm người này nhảy xuống xe dùng bình xịt hơi cay xịt vào người rồi xông vào đánh “hội đồng” khiến anh Tuyên gục xuống vệ đường. Các đối tượng này tiếp tục quay sang dọa chém anh Đức sau đó lên xe tẩu thoát…

Rừng quý ở VQG Chư Mom Ray (Kon Tum) cũng có những giai đoạn phức tạp không kém. Lâm tặc khai thác gỗ quý rồi đốt gốc phi tang nhằm che mắt cơ quan chức năng. Tuy con số báo cáo phát hiện từ đầu năm đến nay chỉ có 25 vụ vi phạm lâm luật, trong đó 14 vụ khai thác rừng trái phép, tổng số gỗ xử lý khoảng 150m³, nhưng thực tế nạn săn bắt và khai thác gỗ quý ở đây vẫn còn diễn biến phức tạp. Hàng ngàn chiếc bẫy thú được thu giữ do các thợ săn bố trí ở rừng hàng năm cho thấy tập tục và nhận thức của người dân địa phương trong việc săn bắt vẫn còn phổ biến.

Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, qua các đợt tuần tra, truy quét, lực lượng Kiểm lâm đã xử lý 55 vụ với 55 đối tượng tham gia, thu giữ hàng trăm mét khối gỗ, hơn 100 phương tiện các loại liên quan đến phá rừng... Điều đáng quan tâm là trong số các đối tượng bị xử lý thì đa số là người dân ngoại tỉnh.

Trong khi đó rừng quý ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và rừng hương ở Kbang (Gia Lai) cũng đang bị lâm tặc lén lút khai thác từng ngày. Đáng chú ý là điểm nóng phá rừng ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (đóng tại xã Krong, huyện Kbang đã xảy ra hàng loạt vụ khai thác gỗ trái phép với hơn 100 cây gỗ hương bị lâm tặc đốn hạ. Rừng ở đây bị khai thác trái phép có hệ thống từ nhiều năm nay, hết đời lãnh đạo này đến lãnh đạo khác lên thay nhưng rừng hương ở đây vẫn không giữ được.

Càng đi sâu vào những cánh rừng quý Tây Nguyên càng chứng kiến những nỗi đau khó tả. “Nước mắt” rừng vẫn đang chảy từng ngày…

Nguồn: Ngọc Như - Văn Thành – Báo Công an nhân dân

Web: http://cand.com.vn/